MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN đòi tăng giá điện

Nếu không ảnh hưởng bởi mất điện, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 6 tháng đạt trên 5 tỉ đô la Mỹ chứ không dừng lại ở con số hơn 4,8 tỉ như thực tế.

Tình trạng cúp điện đã và đang diễn ra hiện nay đã gây thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất. Thế nhưmg, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) một phần vừa nhận lỗi về mình, một phần lại gây sức ép khi cho rằng nếu Chính phủ không điều chỉnh tăng giá bán điện, tình hình cúp điện sẽ vẫn còn tiếp tục.

Mất điện, nặng thêm vấn đề lao động

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vũ Đức Giang tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2010 của Bộ Công Thương diễn ra sáng ngày 6-7 khẳng định, nếu không ảnh hưởng bởi tình hình mất điện, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm đạt trên 5 tỉ đô la Mỹ chứ không dừng lại ở con số hơn 4,8 tỉ như thực tế.

Ông Giang cho hay, tính chung trong tập đoàn, số ngày mất điện trung bình trong các tháng 5 và 6 vừa qua là 6,7 ngày/tháng. Ngành điện cắt điện liên tục và không báo trước nên gây thiệt hại cho các đơn vị mà thiệt hại nặng nhất là các doanh nghiệp nhuộm. Một mẻ nhuộm từ 3-10 tấn, với công nghệ nhuộm liên tục như hiện nay, nếu đang nhuộm dở mà mất điện là coi như bỏ luôn cả mẻ, không thể khắc phục được.

Trong khi đó, các doanh nghiệp may lại chịu ảnh hưởng về giao hàng. Theo ông Giang, nếu như cách đây 2 năm, thời gian giao hàng phía đối tác quy định thường là 36 ngày thì nay đã giảm xuống còn 17-18 ngày. Cúp điện khi lịch làm hàng đã kín khiến các doanh nghiệp phải chuyển sang làm ca đêm và chủ nhật.

“Chi phí sản xuất cho công nhân làm ca đêm tăng 4 lần so với ban ngày. Còn nếu làm Chủ nhật, chỉ cần công nhân mình thật thà khai với khách hàng Mỹ vào đánh giá thị trường một tháng làm 3 ngày Chủ nhật là ngay lập tức doanh nghiệp bị đối tác cắt đơn hàng ngay với lý do vi phạm luật lao động”, ông Giang nói.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Vinatex, quan trọng hơn, việc làm đêm hay Chủ nhật đang làm gia tăng thêm vấn đề thiếu hụt lao động của ngành dệt may vốn đã rất căng thẳng trong thời gian qua. “Nếu phải làm ca đêm một tuần, sau khi lấy lương xong là công nhân bỏ việc ngay lập tức. Đã thiếu lại càng thêm thiếu”, ông Giang than thở.

Ông Trần Xuân Hòa, Tổng giám đốc tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) nói rằng, vì mất điện, TKV đã phải đổ đi 5.000 tấn sản phẩm thô (chưa qua luyện) trong thời gian qua do không thể luyện tiếp được. Chưa hết, những lúc công nhân đang trong hầm lò, điện mất đã khiến công nhân rất vất vả khi phải leo trở lên với đoạn đường 1-2 km ở độ dốc 22 - 24 độ.

Đòi tăng giá bán điện

Ông Đào Văn Hưng, Chủ tich Hội đồng quản trị EVN trong phần trình bày tham luận của mình đã cho rằng, cốt lõi của vấn đề của tình trạng thiếu điện hiện nay là do giá bán điện tại nước ta thấp, làm kiệt quệ các nhà làm điện và không thu hút được các nhà đầu tư mới.

Theo ông Hưng, trong 3 năm qua ngành điện không khởi động được nhà máy nào vì không huy động được vốn. Ví dụ như nhà máy thủy điện Lai Châu, đã chuyển nhân công, thiết bị từ thủy điện Sơn La lên nhưng không vay được 3.600 tỉ đồng vốn xây dựng. Trong khi đó, nhiều năm nay, trừ 2 dự án điện đầu tư theo hình thức BOT, ngành điện không tìm được nhà đầu tư nước ngoài do “giá bán điện mâu thuẫn với GDP”. Ở Việt Nam, giá bán điện là dưới 5 cent/kwh, khoảng 1.100 đồng, thấp hơn nhiều nước.

“Cách đây 5 năm, tôi tiếp đoàn các nhà đầu tư tìm hiểu về ngành điện. Sau khi tham quan, họ đã nói với tôi rằng, họ đến để đầu tư kinh doanh chứ không phải đi làm từ thiện vì giá điện chúng ta quá thấp” - ông Hưng kể.

Vì vậy, ông Hưng cho rằng, Chính phủ cần chấp nhận đề nghị của ngành điện, điều chỉnh giá bán để thay đổi tình hình. “Đến năm 2012, tình trạng thiếu điện như năm nay sẽ tiếp tục tái diễn vì không có nhà máy nào có thể cứu nổi nhu cầu dùng điện”- ông Hưng kết luận.

Dù ngành than bị thiệt hại do cúp điện nhưng ông Hòa của TKV cũng tỏ ý lo lắng về giá điện khi tập đoàn này cũng đang bán điện. Hiện nay, TKV đang bán điện của hai nhà máy nhiệt điện cho ngành điện nhưng giá bán thấp, không đủ bù lỗ chi phí than sử dụng chạy nhà máy trong tình hình giá than liên tục tăng trong thời gian qua.

Theo ông Hòa, trong năm vừa qua, một trong hai nhà máy kể trên đã chạy tới 7.500 giờ (thay vì 6.000 giờ như thỏa thuận ban đầu) để thêm điện bán cho EVN nhưng càng chạy càng lỗ. “Do vậy, phải điều chỉnh tăng giá bán điện vì nếu duy trì giá cũ sẽ không thể thực hiện được yêu cầu”, ông Hòa đề xuất.

Đồng quan điểm Chính phủ nên điều chỉnh giá bán điện với đại diện của EVN và TKV, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cho rằng, nếu không điều chỉnh giá bán điện, doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài các dự án về điện sẽ vướng.

Bà Hà nêu dẫn chứng, vừa qua PVN có dự án đầu tư bên Lào nhưng do hai bên không đồng thuận về giá mua - bán điện nên dự án chưa thể triển khai. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư của PVN cũng đang gặp vấn đề chi phí giá thành sản xuất điện cao, do than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện là than nhập khẩu, giá đang liên tục tăng.

Theo Minh Tâm

TBKTSG

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên