MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu giảm, Bộ Tài chính vẫn “về đích” thu NSNN 6 tháng đầu năm

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Tổng cục thuế phải đảm bảo thu nội địa phải tăng thêm ít nhất trên 10% nữa, trong đó lưu ý nguồn thu từ các DN Trung ương, bởi lẽ theo dự báo việc giá dầu giảm sẽ khiến cho thu ngân sách bị hụt thu khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong năm nay.

Sáng nay (ngày 26/6), Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 6 tháng ước đạt 446,2 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014.

Đáng chú ý là, con số thu NSNN này được Bộ Tài chính đặt ra dựa trên cơ sở dự báo giá dầu thô thế giới năm 2015 là 100 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thanh toán bình quân 6 tháng chỉ đạt 60 USD/thùng (giảm 40 USD/thùng) và thu từ dầu thô trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% so với dự toán (giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước).

Được biết, Bộ Tài chính đã gửi trình Chính phủ phương án dùng nguồn thu từ nội địa và xuất nhập khẩu để bù hụt thu từ nguồn dầu thô.

Trong đó, thu nội địa 6 tháng ước đạt 328,18 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Có 52/63 địa phương đảm bảo tiến độ thu như dự toán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Tổng cục thuế phải đảm bảo thu nội địa phải tăng thêm ít nhất trên 10% nữa, trong đó lưu ý nguồn thu từ các DN Trung ương, bởi lẽ theo dự báo việc giá dầu giảm sẽ khiến cho thu ngân sách bị hụt thu khoảng 30 nghìn tỷ đồng trong năm nay.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 125,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Về chi ngân sách, dự toán chi NSNN cả năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng , lũy kế chi 6 tháng là 545,18 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chi trả nợ và viện trợ lũy kế 6 tháng là 75,95 nghìn tỷ đồng, bằng 50,6% dự toán, và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Bội chi ngân sách tháng 6 ước đạt 27,25 nghìn tỷ đồng; lũy kế 6 tháng là 378 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với dự toán.

Huy động vốn qua phát hành TPCP lo không thể hoàn thành

Năm 2015 với mục tiêu huy động khoảng 250.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) nhưng tính đến ngày 24/6/2015 mới phát hành được 100 nghìn tỷ đồng TPCP (đã bao gồm cả 1 tỷ USD tương đương 21.458 tỷ đồng phát hành cho Vietcombank) để bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, bằng 36,8% kế hoạch.

Bộ Tài chính đánh giá, công tác phát hành TPCP từ giữa tháng 3/2015 trở lại đây gặp khó khăn, nhiều phiên đầu thầu không thành công, khối lượng dự thầu và khối lượng trúng thầu thấp, lãi suất có xu hướng tăng.

6 tháng đầu năm KBNN đã thanh toán 120,5 nghìn tỷ đồng tiền gốc, lãi trái phiếu

Nguyên nhân được xác định là do việc chỉ phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên làm cho nhà đầu tư khó dự đoán được biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài khiến cho giảm sức hấp dẫn của TPCP.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư trái phiếu chủ yếu là các NHTM, trong điều kiện tín dụng tăng trưởng tốt hơn, các NH có xu hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giảm cầu đối với TPCP.

Tỷ giá có sự biến động cũng đã tác động đến tâm lý các nhà đầu tư trái phiếu, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên