MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu vẫn là “mối lo” của kinh tế Việt Nam

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh.

Tiếp tục phiên làm việc của Quốc hội sáng nay ngày 20/10/2015, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011 - 2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, tăng trưởng kinh tế tăng dần từ 5,25% năm 2012 và dự kiến đạt khoảng 6,5% năm 2015, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nông nghiệp giảm từ 20,58% năm 2010 xuống mức 16,74% năm 2015, công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,42% lên 83,26%.

Cải thiện đáng kể các cân đối lớn: sản lượng lương thực tiếp tục tăng thêm 5,8 triệu tấn so với năm 2010, công suất điện tăng thêm 18,1 nghìn MW.

Nhập siêu giai đoạn 2011-2015 còn 1,93% tổng kim ngạch xuất khẩu so với mức 22,4% giai đoạn 2006-2010.

Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số sản phẩm của nước ta đứng tốp đầu thế giới về xuất khẩu như hồ tiêu đứng đầu; cà phê, hạt điều đứng thứ hai; gạo đứng thứ ba; cao su đứng thứ tư và thủy sản đứng thứ năm.

Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, từ mức 5,9 tỷ USD của năm 2006 lên 24,7 tỷ USD năm 2014.

Thị trường viễn thông Việt Nam xếp thứ 13 trên thế giới về quy mô và tốc độ phát triển trên ba lĩnh vực cố định, di động và Internet.

Thu nhập bình quân đầu người từ 1.168 USD năm 2010 tăng lên dự kiến 2.228 USD năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 14,2% năm 2010 còn khoảng 4-4,3% năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, một số ý kiến cho rằng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Khu vực nông nghiệp 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 2,94% của cùng kỳ năm 2014.

Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất, nhất là nông dân.

Năm 2015 nhập siêu trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu, mặc dù nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ngày càng tăng.

Về kiểm soát lạm phát, hai năm 2014 - 2015 lạm phát thực tế thấp xa so với kế hoạch đề ra cho thấy mặt tích cực củng cố thêm đối với kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, tạo lòng tin vào đồng tiền Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.

Bên cạnh đó, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến là 5% GDP, không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Chưa khắc phục được việc sử dụng một phần bội chi ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên và trả nợ.

Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 54,5%, ước năm 2014 là 59,6%, dự kiến năm 2015 là 61,3%.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong gần 5 năm qua đã thực hiện sắp xếp được 447 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 337 doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính chỉ đạt 8.390 tỷ/21.797 tỷ đồng.

Mặc dù, Chính phủ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ, nhưng kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm, một số doanh nghiệp triển khai chưa quyết liệt, có nơi trách nhiệm chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao.

Về xử lý nợ xấu, nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên