MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá đường Việt Nam cao hơn các nước: Hiệp hội mía đường nói gì?

Theo Hiệp hội Mía đường, có nhiều nguyên nhân khiến giá đường Việt Nam cao hơn các nước, nhưng chủ yếu ở khâu nguyên liệu...

Tóm tắt

- Báo cáo của Hiệp hội Mía đường cho biết, giá đường bán lẻ của Việt Nam và Thái Lan hiện nay xấp xỉ nhau, dao động khoảng 17.000 – 21.000 VNĐ/kg.

- Về trình độ công nghệ của các nhà máy đường Việt Nam hiện nay không còn chênh lệch đáng kể so với các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như trong khu vực.

- Theo Hiệp hội Mía đường, có nhiều nguyên nhân khiến giá đường Việt Nam cao hơn các nước, nhưng chủ yếu là ở khâu nguyên liệu.


Giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu

Theo Hiệp hội Mía đường, vấn đề giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu chỉ cần so sánh với Thái Lan là nước có số lượng đường rất lớn đã nhập lậu vào Việt Nam là rõ.

Giá đường bán lẻ tại Thái lan dao động khoảng 17.000 – 21.000 VNĐ/kg tương đương với giá đường bán lẻ ở Việt Nam. Giá đường trắng bán buôn tại các nhà máy đường Việt Nam hiện tại tùy loại trên dưới 12.000 đồng/kg chưa có VAT. Đường thô Thái Lan nhập khẩu về đến cảng Sài Gòn khoảng 9.000 đồng/kg, đường thô trong nước bán tại nhà máy sản xuất giá 10.500 đồng/kg …

Nhìn chung giá đường bán lẻ ở 2 nước xấp xỉ nhau, giá đường thô nhập từ Thái Lan bán buôn tại TPHCM rẻ hơn đường nội 1.500 – 2.000 đồng/kg. Chênh lệch giữa giá bán buôn và giá bán lẻ trên thị trường rất lớn (5.000 – 8.000 đồng/kg), chênh lệch này các nhà máy đường không được hưởng và thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành công thương. Thực tế các nhà máy đường không thể tạo hệ thống bán lẻ hết sản lượng sản xuất, mà phải qua mạng lưới tiêu thụ chung đã được xã hội hóa.

Các nhà máy đường căn cứ giá đường bán được mà định giá mía mua vào để chế biến, nếu giá bán đường tốt thì giá mía mua cho dân tốt theo. Giá đường thấp thì cả 2 cùng gặp khó, các nhà máy đường gánh tiếp cho nông dân nhưng không thể choàng gánh nổi khi nhà máy đường không có thu nhập hoặc thu nhập quá thấp. Như vậy khi giá đường tốt thì cả 2 cùng hưởng, giá đường thấp thì cả 2 cùng chịu, trong điều kiện nông nghiệp còn nhiều trở lực khó khăn hiện nay, cả nhà máy và nông dân đã và đang nỗ lực và gắng gượng và tìm cách hạ giá thành để cạnh tranh với đường nhập lậu.

Năm 2014 là năm thứ 4 liên tiếp giá đường thấp, gây khó khăn cho nhà máy đường và nông dân trồng mía. Ngược lại là những năm bội thu của ngành chế biến dùng đường làm nguyên liệu nhờ giá đầu vào giảm nhưng giá đầu ra không giảm tương ứng (sữa, nước giải khát…)

Không phải do công nghệ lạc hậu

Lý giải nhiều thắc mắc rằng liệu có phải công nghệ sản xuất đường Việt Nam lạc hậu, sản phẩm chất lượng kém nên đẩy chi phí cao, Hiệp hội mía đường cho biết, từ ngày mới đầu tư nhà máy đường cho chương trình 1 triệu tấn đường/năm, cả nước có 41 nhà máy đường với tổng công suất 52.000 tấn mía/ngày.

Sau cổ phần hóa các nhà máy đường tự đầu tư bằng tiền vay và nguồn tích lũy được, đến nay tổng công suất đã lên đến 130.000-140.000 tấn mía/ngày kết hợp với đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hóa – tổng vốn đầu tư thêm ở 41 nhà máy đường lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó có khả năng sản xuất đến 50% sản lượng là đường luyện (gồm đường luyện tiêu chuẩn và đường luyện hảo hạng).

Đặc biệt, một số nhà máy đường Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến không thua kém các nhà máy đường ở các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… (nhà máy đường Khánh Hòa, Lam Sơn, Nghệ An, KCP, Bourbon Tây Ninh…). Một số ít nhà máy do liên tục thua lỗ nên không có sức đầu tư thêm nên đã ngày càng bị bỏ xa trong cuộc đua để cạnh tranh và hội nhập (như nhà máy đường Cà Mau, Kiên Giang…).

Nhìn chung về trình độ công nghệ của các nhà máy đường Việt Nam hiện nay không còn chênh lệch đáng kể so với các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh trong khu vực, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đường RE đạt yêu cầu chất lượng cao đối với khách hàng khó tính như Cocacola…

Chủ yếu ở khâu nguyên liệu

Hiệp hội Mía đường lý giải có nhiều nguyên nhân khiến giá đường Việt Nam cao hơn các nước, nhưng chủ yếu là ở khâu nguyên liệu.

Ở Thái Lan giá mía đưa vào chế biến chỉ 30 – 35 USD/tấn. Tiền mía trong giá thành chế biến đường chỉ ở mức 300 – 350 USD/tấn hay 6.000 – 7.000 đ/kg đường, trong khi ở Việt Nam tiền mía chiếm 8.000 – 10.000 đ/kg đường, chênh lệch 2.000 – 4.000 đ/kg đường, chênh lệch này thuộc yếu tố nông nghiệp mà nông dân và nhà máy đường không thể một sớm một chiều tự khắc phục .

Ở Lào, Hoàng Anh Gia Lai tự sản xuất mía đưa vào chế biến không phải mua nên giá thành nguyên liệu mía đưa vào nhà máy không bao gồm chi phí lợi nhuận cho nông dân trồng mía nên có giá thấp. Ngoài ra chi phí đầu tư cơ bản xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy có thể đã được bù đắp một phần bởi chính sách hỗ trợ đầu tư và các nguồn thu khác có được trong quá trình khai mở đất.

Bên cạnh đó, Đại diện Hiệp hội mía đường cho biết, chi phí chế biến đường từ mía của 2 nước Thái Lan và Việt Nam không chênh lệch nhiều. Một số nhà máy đường Việt Nam có vùng nguyên liệu tốt, chất lượng cao nên đường sản xuất có giá thành thấp như Sơn La, Tuyên Quang,… dù công suất nhỏ và công nghệ không có gì vượt trội so với các nhà máy đường khác trong nước.

>>>Hiệp hội Mía đường Việt Nam không phản đối đề xuất nhập 50.000 tấn đường

Thảo Anh

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên