MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thuế nhập khẩu ô tô: Ngân sách có thất thu nghìn tỷ?

Theo Bộ Tài chính, khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô, NSNN sẽ bị giảm thu khá nhiều về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô và linh kiện ô tô vì đây là những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn...

Thuế TTĐB được coi là một nguồn thu khá ổn định của NSNN trong những năm gần đây. Thuế TTĐB đánh lên các mặt hàng thiết yếu, nhưng cần hạn chế tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá, ô tô…

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế TTĐB hàng năm chiếm khoảng 8-9% trong tổng thu NSNN và khoảng 1,8-2,6% GDP. Trong tổng thu từ thuế TTĐB thì số thu từ các mặt hàng ô tô, thuốc lá, rượu, bia chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Giảm thuế nhập khẩu ô tô theo cam kết quốc tế

Lộ trình giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với ô tô và linh kiện ô tô theo các cam kết và hiệp định thương mại quốc tế như sau:

Cam kết WTO: Tất cả các loại xe ô tô phải cắt giảm mức thuế nhập khẩu từ 100% xuống 70% sau 7 năm kể từ khi gia nhập (năm 2014). Riêng đối với loại xe chở người có dung tích xi lanh từ 2.5 trở lên sẽ phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 90% xuống 52% sau 12 năm kể từ khi gia nhập (năm 2019).

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN: Các loại xe ô tô chở người 10 chỗ trở lên và xe tải đều đã được cắt giảm thuế nhập khẩu xuống mức 5% từ năm 2006. Riêng loại xe chở người 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải cắt giảm xuống 0% vào năm 2018 (dự kiến năm 2015 thuế nhập khẩu giảm còn 35% và năm 2016 giảm xuống 20% và năm 2017 giảm còn 10%).

Hiệp định TPP: Dự kiến đến năm 2026 thuế nhập khẩu ô tô chở người từ những nước tham gia TPP sẽ cắt giảm về mức 0% (dự kiến sẽ cắt giảm dần và bắt đầu cắt giảm từ năm 2016).

Đối với linh kiện ô tô, một số nội dung cam kết như sau: thuế nhập khẩu giảm xuống 0% vào năm 2018 theo cam kết trong ASEAN; trong các Khu vực mậu dịch tự do (FTA) khác mức cam kết cao hơn (trong ASEAN – Hàn Quốc là 15- 30% vào năm 2021); cam kết trong WTO từ 0% - 30% tuỳ theo chủng loại linh kiện (năm 2014 là năm cắt giảm cuối cùng).

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô như các cam kết cũng là một chính sách góp phần hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.

Ngân sách có thất thu?

Theo Bộ Tài chính, khi thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu nêu trên, ngân sách nhà nước sẽ bị giảm thu khá nhiều về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô và linh kiện ô tô vì đây là những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn.

Trước bối cảnh giảm thu thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm xuống mức 20% vào năm 2016, nếu giảm thuế TTĐB đối với ô tô thì NSNN sẽ càng giảm thu trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô nhập khẩu.

Bộ Tài chính cho biết, qua khảo sát chính sách thuế TTĐB đối với ô tô của các nước trong khu vực cho thấy, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45% là mức thuế suất trung bình trung khu vực; thấp hơn Malaysia, Lào và bằng Singapore, Campuchia.

Về việc ưu đãi khuyến khích nội địa hóa sản xuất ô tô, đối với giai đoạn trước năm 2007, khi chưa gia nhập WTO, chính sách thuế TTĐB đối với ô tô đã thể hiện sự ưu đãi đặc biệt để ngành công nghiệp ô tô phát triển là giảm 95% thuế suất thuế TTĐB cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Tuy nhiên, từ năm 2007 trở đi, khi Việt Nam gia nhập WTO thì việc ưu đãi đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là vi phạm cam kết, do đó, phải xóa bỏ ưu đãi này.

Do đó, đối với mặt hàng ô tô, luật thuế TTĐB hiện hành đã có sự lựa chọn kết hợp nhiều tiêu chí phân loại để sắp xếp, cơ cấu lại thuế suất giữa các nhóm xe, có tính đến diện tích chiếm chỗ ảnh hưởng đến giao thông, nguồn năng lượng sử dụng, thống nhất tiêu chí dung tích xi lanh càng lớn thì thuế suất càng cao.

Từ đó đã góp phần hạn chế xe dung tích xi lanh lớn và góp phần thúc đẩy sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, khuyến khích giảm ô nhiễm môi trường, nhất là trong điều kiện giá nhiên liệu trên thế giới đang ở mức cao và vấn đề xử lý môi trường đang là thách thức đặt ra cho các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên