Giá tăng kiểu “bên trọng, bên khinh”
“Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, đa số các tỉnh đều chạy theo công nghiệp, thương mại và dịch vụ mặc dù tiềm lực mà họ có thế mạnh là nông nghiệp và thuỷ sản”.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội gia cầm Đông Nam bộ, người chăn nuôi suốt trong thời gian hai năm qua, họ không biết đến đồng lãi nào. Chỉ tính riêng nghề nuôi gà công nghiệp thì tại phía Nam, hiệp hội thống kê có tới 1.500 trang trại với vốn đầu tư bình quân 2 tỉ đồng/trại. Tổng giá trị đầu tư là hơn 3.000 tỉ đồng, phần lớn đều được vay ngân hàng, nên nguy cơ các khoản vay này thành nợ xấu là rất lớn. “Nếu như Nhà nước không có chính sách tháo gỡ kịp thời, hàng ngàn tỉ đồng đầu tư chuồng trại sẽ thành phế liệu, phơi nắng, phơi sương”, ông Ngọc nói.
Với người chăn nuôi heo, gần đây mới có lời chút đỉnh, nhờ heo được vận chuyển ra phía Bắc nhiều, nhưng mới là tín hiệu nhất thời. Còn hàng triệu nông dân trồng lúa, tiêu, điều, càphê hay mặt hàng lâu nay vẫn được ví như “vàng trắng” là cao su vẫn khó khăn do giá cả sản phẩm bán ra thấp.
TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bình luận, việc giá lương thực, nông sản dậm chân tại chỗ, làm cho nền nông nghiệp điêu đứng, tăng trưởng giảm, xuất khẩu kiệt quệ, năng suất nông nghiệp thấp nhất thế giới, tỷ lệ xoá đói giảm nghèo chững lại… Trong khi đó, theo TS Sơn, đối nghịch lại là việc tăng giá vật tư đầu vào, chưa kể các khoản thu ở nông thôn cũng đang có khuynh hướng cao hơn rất nhiều so với giá bán nông sản. “Chưa nói đến tăng giá cụ thể của các loại vật tư thiết yếu như nhiên liệu, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y… thì rõ ràng việc kìm giá mặt hàng lương thực, thực phẩm góp phần giảm lạm phát, vô tình chúng ta đang lấy đi từ nông thôn rất nhiều thứ...”
Xét ở góc độ vĩ mô, TS Trần Du Lịch, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế gợi mở giải pháp: muốn cứu ngành nông nghiệp trước hết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không nên giữ lại hơn 40 triệu tấn lúa mỗi năm mà nghiên cứu trồng cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ chăn nuôi hoặc chế biến ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Còn theo TS Đặng Kim Sơn, trước mắt có hai cách làm cho giá nông sản tốt lên, thứ nhất là bơm tiền vào nông thôn, tăng đầu tư cho nông nghiệp, thứ hai là phải điều chỉnh chính sách vĩ mô làm sao có lợi cho nông nghiệp. Ví dụ như thay đổi tỷ giá hối đoái bằng việc phá giá đồng tiền, giúp có lợi cho xuất khẩu nông sản, hoặc là giảm thuế cho nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Ngọc than phiền, xây dựng khu công nghiệp thì được Nhà nước bỏ tiền làm hạ tầng, còn chăn nuôi thì chủ trại phải tự làm, từ đường, điện, nước thải... Tuy vậy, người chăn nuôi lại không được Nhà nước bảo vệ, bằng chứng là vẫn để thịt nhập khẩu đưa về bán phá giá tràn lan.
Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cho rằng, chính sách cần xem nông nghiệp là nền tảng phát triển các ngành khác. “Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh, đa số các tỉnh đều chạy theo công nghiệp, thương mại và dịch vụ mặc dù tiềm lực mà họ có thế mạnh là nông nghiệp và thuỷ sản”. Chính vì vậy, một khi đã định hướng sai lệch thì các chính sách đi kèm cũng sai lệch.