MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. Nguyễn Mại: “Tôi đảm bảo Việt Nam không được lợi nhiều từ các dự án lọc dầu tỷ đô”

Nhận định về các dự án lọc hóa dầu “tỷ đô” đang ồ ạt vào Việt Nam, GS. Nguyễn Mại cho rằng Việt Nam không được lợi nhiều từ những dự án khổng lồ này.

Thời gian qua các nhà máy lọc dầu lớn lần lượt được xây dựng ở Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng đây là một tín hiệu đầu tư tốt của thị trường đầu tư Việt Nam và nếu làm tốt Việt Nam có thể trở thành bản đồ lọc hóa dàu của thế giới.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Gần đây có nhiều dự án lọc hóa dầu có quy mô “khổng lồ” lên tới hàng chục tỷ USD đã và đang đầu tư vào Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này?

GS. Nguyễn Mại: Đúng vậy, hiện Việt Nam đã có 3 nhà máy lọc hóa dầu: Dung Quất (Quảng Ngãi) với vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; Nghi Sơn (Thanh Hóa) vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Mới đây, tiếp tục bổ sung thêm 2 dự án là: Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,18 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm; Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Riêng Bình Định cũng xin bổ sung thêm Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, với vốn đầu tư lên tới 22 tỷ USD (trước là 27 tỷ USD), công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm.

Như vậy, tính chung ngành công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam có công suất khoảng 45-50 triệu tấn/năm. Nếu tính thêm dự án Nhơn Hội, công suất dự kiến lên tới gần trên 65 triệu tấn/năm.

Tôi rất phản đối việc đi lên công nghiệp hóa đến năm 2020 theo hướng này. Cái rất quan trọng của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tái cơ cấu nền kinh tế nghĩa là chúng ta có quyền lựa chọn phát triển ngành nghề nào thích ứng với tương lai phát triển của thế giới. Chúng ta phải coi đây là câu chuyện tương lai của chúng ta. Trong cuốn Làn sóng thứ 3 có nêu 4 ngành công nghiệp trụ cột của tương lại là : công nghiệp vi sinh, công nghiệp vũ trụ, công nghiệp đại dương.... Còn công nghiệp sắt thép, hóa dầu là các ngành công nghiệp cổ điển. Các nước đi trước chúng ta đã phải chịu rất nhiều hậu quả do phát triển công nghiệp cổ điển: ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính…rồi đủ các thứ khác. Chúng ta đi sau phải lựa chọn, tôi không phản đối phát triển công nghiệp khai khoáng, lọc hóa dầu nhưng chỉ nên phát triển ở mức độ vừa phải.

Tôi cho rằng Chính phủ nên thận trọng để cân nhắc trong phát triển công nghiệp hóa dầu để dành đất đai đó, tiềm năng con người đó để phát triển các ngành công nghiệp tương lai: công nghiệp điện tử, công nghiệp vi sinh, công nghiệp đại dương mà trước nay chúng ta rất muốn thành cường quốc về kinh tế biển.

Ông vừa nói công suất hiện nay của các nhà máy lọc hóa dầu là 45-50 triệu tấn/năm rồi, nếu tính cả dự án lọc dầu Nhơn Hội mức công suất đã lên rất cao. Theo ông, Việt Nam được gì từ các dự án “tỷ đô” này?

GS. Nguyễn Mại: Về lợi ích, tôi đảm bảo là Việt Nam không được bao nhiêu. Hiện nay, công suất của các nhà máy hóa dầu đã là 45-50 triệu tấn tuy nhiên lượng khai thác dầu tối đa của chúng ta chỉ đạt 15 triệu tấn/năm. Như vậy để vận hành tất cả, chúng ta phải nhập tới 35 triệu tấn dầu vào để sản xuất ra dầu tinh phục vụ cho xuất khẩu. Tôi xin lưu ý rằng, dầu thô của chúng ta rất nhiều tạp chất nên chỉ có thể được 65%, còn 35% phải nhập dầu từ Trung Đông để phối trộn mới sử dụng được. Mọi thứ rất khó khăn chứ không phải có quy mô lớn là tốt.

Ông có thể nói rõ hơn về lợi ích mà Việt Nam được từ các dự án lọc dầu này?

GS. Nguyễn Mại: Tôi lấy ví dụ này cho dễ hiểu, dự án lọc dầu Nhơn Hội khi vào Việt Nam chiếm dụng hàng nghìn ha đất, trong khí một dự án của Samsung với vốn đầu tư 2 tỷ USD chỉ chiếm 2 ha đất thôi nhưng giải quyết tới 43.500 lao động cho Việt Nam và đóng góp hàng năm 45.000 tỷ đồng (2,2tỷ USD) cho ngân sách nhà nước.  Trong khi đó, lọc dầu Nhơn Hội chỉ giải quyết hơn 4000 lao động và đóng góp hơn 1-1,5 tỷ đô thôi. So sánh về tất cả các chỉ số công nghiệp lọc hóa dầu không thể so sánh với công nghệ cao được.

Nhiều quan điểm cho rằng công nghiệp lọc hóa dầu ồ ạt vào Việt Nam sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu…ông nghĩ sao về điều này?

GS. Nguyễn Mại: Việt Nam đang có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài vì vậy sẽ lựa chọn của nhiều tập đoàn lớn. Ô nhiễm môi trường từ ngành công nghiệp lọc hóa dầu là thứ mà tất cả các nước phải lưu ý đặc biệt. Còn về công nghệ như tôi đã nói lọc hóa dầu là ngành công nghiệp cổ điển của thế giới rồi phát triển dựa trên khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường. Tôi cũng đang rất băn khoăn không hiểu vì sao một đất nước đang rất cần vốn phát triển kinh tế như Thái Lan lại đầu tư mấy chục tỷ USD xây dựng dự án Nhơn Hội ở Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

>>>Ồ ạt các dự án lọc dầu “tỷ đô”: “Nếu làm tốt Việt Nam sẽ là bản đồ lọc hóa dầu của thế giới” 

Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên