MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng thủ công mỹ nghệ: Dồn dập xuất sang Mỹ, EU...

Thời điểm này, các xưởng thủ công mỹ nghệ liên tục nhận được nhiều đơn hàng lớn. Khách hàng từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật... chuyển qua đặt hàng doanh nghiệp VN thay vì từ Trung Quốc.

Ngày 20-10, có mặt tại xưởng sản xuất của Công ty sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (xã Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương), dù ngày nghỉ nhưng khoảng 20 nhân công vẫn làm việc. Ông Nguyễn Bá Linh, giám đốc công ty, cho biết từ tháng 8 tới nay đơn đặt hàng tăng dồn dập. Trung bình mỗi tháng công ty phải hoàn thành khoảng 1.000 sản phẩm để kịp tiến độ giao cho đối tác. “Bên cạnh thị trường xuất khẩu là thị trường “xuất khẩu tại chỗ” cho khách du lịch trong dịp lễ tết cuối năm” - ông Linh cho hay. Theo ông Linh, đơn hàng mới nhận tăng khoảng 30% so với những tháng đầu năm.

Tương tự, tại xưởng sản xuất các sản phẩm mây tre lá của HTX Hiệp Lực (Đồng Nai), nhiều xã viên đang tất bật đóng gói 5.000 sản phẩm thùng, hòm các loại làm từ lục bình để xuất khẩu qua Đức với trị giá khoảng 500 triệu đồng. Bà Lương Thị Thúy, chủ nhiệm HTX, cho biết trong năm 2013 doanh thu HTX ước đạt 20 tỉ đồng (tăng 25% so với năm trước), trong đó lượng hàng vào những tháng cuối năm chiếm số lượng lớn. Hiện HTX đã có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 5-2014. Hầu hết khách đặt hàng từ thị trường châu Âu, Mỹ.

Theo khảo sát nhiều doanh nghiệp, HTX thủ công mỹ nghệ đang tích cực tuyển nhân công, cơi nới cơ sở sản xuất, kho hàng để đón những đơn hàng mới. Ông Vương Siêu Tín - phó chủ tịch Hội Gốm sứ Bình Dương, giám đốc Công ty gốm Phước Dũ Long (Bình Dương) - cho biết tất cả đã có hợp đồng và chuẩn bị xuất từ nay tới đầu năm sau. Mặc dù khả năng phục hồi kinh tế được ông Tín nhận định và xem xét trong kế hoạch kinh doanh, tuy nhiên bản thân ông không khỏi bất ngờ. “Lượng gốm bán ra đã tăng gần 100% so với những tháng giữa năm, hiện trung bình mỗi tháng công ty cho ra thị trường 50 container, với hơn 2.000 dòng sản phẩm, giá trị một container khoảng 10.000 USD, trong đó thị trường xuất khẩu chiếm 90% và đã có đơn hàng ổn định tới đầu năm sau” - ông Tín vui mừng bày tỏ.

Theo khảo sát của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), hiện đang có xu hướng khách hàng các nước châu Âu, Mỹ, Nhật... chuyển qua đặt hàng doanh nghiệp VN thay vì trước đó từ Trung Quốc. Theo các khách hàng này, hiện sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng từ Trung Quốc có giá cao hơn khá nhiều so với VN.

Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch HAWA, cho biết đây là cơ hội cho doanh nghiệp VN, tuy nhiên cũng là thách thức. “Bởi thời gian gần đây, bên cạnh dấu hiệu tích cực từ việc có đơn hàng, chúng tôi cũng nhận được những phản hồi từ đối tác về một số điểm yếu, đặc biệt là việc chậm trễ trong giao hàng. Đây là thực tế bởi năng lực sản xuất của doanh nghiệp VN còn khá nhỏ lẻ, thiếu tính ổn định, nhất là sự phối hợp, phân công lao động. Có đơn hàng lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải tính toán hợp lý. Cứ ôm đồm, thiếu sự phân công, phối hợp dẫn đến chậm giao hàng, chất lượng thiếu ổn định sẽ khiến chúng ta dần mất uy tín với bạn hàng” - ông Hùng cho hay.

Theo Nguyễn Trí – Lê Sơn

khanhnt

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên