MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện tượng mới trong PPP

Ngay sau Bitexco, một DN đang kinh doanh hiệu quả ngay trên “sân nhà” Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu, cũng có công văn đề nghị muốn tham gia đấu thầu quyền quản lý khai thác Vịnh Hạ Long.

Đề án Nâng cao chất lượng khai thác dịch vụ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long với nhượng quyền thu phí trong vòng 50 mà Tập đoàn Bitexco (Cty TNHH và Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh) vừa đề xuất đến UBND tỉnh Quảng Ninh chưa biết sẽ đi đến kết quả ra sao, nhưng ít nhất Tập đoàn này đã khởi động cho một xu hướng cả về hợp tác công tư (PPP) lẫn nhượng quyền thương hiệu…

Ngay sau Bitexco, một DN đang kinh doanh hiệu quả ngay trên “sân nhà” Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu, cũng có công văn đề nghị muốn tham gia đấu thầu quyền quản lý khai thác Vịnh Hạ Long.

Không dừng ở con số 2

Một nguồn tin riêng của DĐDN cho hay trên thực tế không phải chỉ có Bitexco hay Tuần Châu mới đặc biệt quan tâm Vịnh Hạ Long. Trước đó, Tập đoàn khai thác quản lí nhượng quyền thương hiệu TRAwise đến từ Phần Lan cũng đã có kế hoạch và thậm chí dự phóng dòng tiền khai thác của dịch vụ quản lí Vịnh Hạ Long để nhắm tới đề xuất nhượng quyền thương hiệu. 

Nguồn tin này cũng cho biết với sức hấp dẫn riêng có, vị thế có một không hai của mình cộng chủ trương cởi mở mời gọi đầu tư khai thác của lãnh đạo tỉnh, Vịnh Hạ Long đang là dự án hấp dẫn cả những DN/ tập đoàn nước ngoài. Khả năng danh mục các nhà đầu tư nộp đề án/ tờ trình tới UBND tỉnh Quảng Ninh thời gian tới sẽ còn dài hơn con số 2.

Tiên phong PPP trong lĩnh vực mới?

Liên quan đến hiệu quả hợp tác công tư để nâng cao hiệu quả quản lí, theo bà Phạm Thị Thùy Dương - Trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long, mức thu phí mà các DN đề xuất hiện tại chưa đạt được kế hoạch tỉnh đề ra. Dự toán của Ban Quản lí về mức doanh thu phí tham quan và cơ chế tài chính của tỉnh đang thực hiện năm 2014 thì số thu ngân sách cho tỉnh dự kiến cho 10 năm khoảng 6.023 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với dự kiến mà Bitexco đưa ra là khoảng 4.700 tỷ đồng.

Trong trường hợp này cũng một chuyên gia cho rằng một khi đã có nhiều hơn mộtnhà đầu tư muốn “tranh” quyền quản lí, khai thác du lịch Vịnh, đấu thầu giá trị nguồn thu ngân sách sẽ là phương án hợp lí và minh bạch nhất. 

Điều này cũng đòi hỏi chủ quyền thương hiệu Vịnh Hạ Long sẽ phải có một định lượng cụ thể về khai thác, quản lí thương hiệu tính theo tuyến tính thời gian – khác biệt hoàn toàn so với định hướng giá trị khai thác – vận hành dự án trong hợp tác công tư theo hình thức BTO – thường được áp dụng trong hợp tác khai thác dự án hạ tầng. 

Nếu như BTO cần có một dự phóng khấu hao sự xuống cấp của dự án thì trong trường hợp cụ thể là Vịnh Hạ Long, yếu tố định lượng cần được tính toán theo dự phóng ngược lại – ngày càng nâng lên bởi giá trị thương hiệu phải được tính nâng cao sau chuyển giao nhượng quyền.

Do đó, mặc dù xét khía cạnh đóng góp nguồn thu ngân sách, hợp tác PPP ở đây không có nghĩa DN nào trả giá cao thì DN đó sẽ giành được đấu thầu. UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều việc và quản lí sao cho các phương án kinh doanh của DN không dẫn đến “tận thu”, tàn phá di sản, năng lực tài chính chỉ là một trong những yếu tố định lượng thay cho vị thế quan trọng hàng đầu khi xét một đề án công tư đơn thuần.

Về định tính, một chuyên gia cho rằng với mô hình mà DN đề xuất, ngoài mục tiêu đạt giá trị kinh tế về phí dịch vụ theo đúng kế hoạch kinh doanh/đóng góp ngân sách Nhà nước hàng năm của tỉnh, cái quan trọng hơn là thương hiệu Vịnh Hạ Long, hạ tầng của Vịnh, dịch vụ của Vịnh… sẽ đạt được gì trong tương lai. “Hiện Bitexco đang đề xuất phương án kinh doanh với các mục tiêu cơ bản: Tạo thương hiệu du lịch mạnh; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, đồng bộ, chuyên nghiệp; Đảm bảo tính phù hợp với chiến lược vùng, tính bền vững của thiên nhiên và tính phù hợp với chiến lược vùng; thu hút sự hiện diện của các thương hiệu hàng đầu quốc tế; nâng cao chất lượng khách du lịch; thu hút lao động trong lĩnh vực du lịch. 

Tuy nhiên, nếu chấp nhận đặt một thương hiệu/ di sản quốc gia vào tay DN trong vòng 50 năm, sau 50 năm mới đánh giá được các mục tiêu cơ bản đó có đạt được hay không… thì e là cả một sự “đặt cược” quá dài. Lãnh đạo địa phương cũng phải có lộ trình để đánh giá “thương vụ” PPP này có đúng hướng, cần điều chỉnh gì, hay thậm chí đấu thầu/ thay đổi nhà đầu tư mới...”…

Trên tổng thể, chủ trương cởi mở và mời gọi Tập đoàn đầu tư/ khai thác/ quản lí du lịch tại Vịnh Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh, là một sự tiên phong. Nếu giữ đúng chủ trương và thương thảo được những quyền lợi/ trách nhiệm có lợi cho cả khía cạnh ngân sách lẫn giá trị di sản trong tương lai, thì đây sẽ là dự án đầu tư tiên tạo bước đột phá (PPP) ở VN trong lĩnh vực quản lí di sản văn hóa – kinh doanh hạ tầng du lịch. 

Bởi trước đây, mô hình PPP tại VN chỉ được Nhà nước và DN hợp tác phát triển chủ yếu ở các lĩnh vực điện, viễn thông, và gần đây là hạ tầng cơ sở - giao thông vận tải. Nếu PPP được mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp không khói (kinh doanh du lịch), từ tiên phong Vịnh Hạ Long, đây sẽ là hướng đi mở cho nhiều tỉnh, thành địa phương khác trong cả nước đang “bí” phương án kêu gọi vốn đầu tư lẫn quyền quản lí, khai thác, nâng cấp các di sản văn hóa ở các cấp thế giới lẫn quốc gia, và “đính kèm” là các dự án bất động sản du lịch đang dở dang.

>>>Hàng tỷ USD vốn FDI tăng tốc “chảy” vào Quảng Ninh

Theo Mỹ Lê

cucpth

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên