MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập cộng đồng Kinh tế ASEAN: Thách thức sẽ thuộc về ngành nào?

Các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, lắp ráp… có thể nhận được thêm các nguồn lực mới từ các nước ASEAN để tăng xuất khẩu.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Kể từ năm 1995 đến nay Việt Nam đã rất tích cực tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực kinh tế ASEAN. Trong 20 năm qua, quy mô thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ ở mức 2 con số mỗi năm.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây xu hướng này đang chững lại. Quá trình phân công lao động giữa Việt Nam và các nước ASEAN, có vẻ, về cơ bản, đã được định hình sau 2 thập kỷ phát triển. Do đó, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015, nhiều khả năng sẽ không đem lại những đột phá lớn cho Việt Nam cả về cơ hội lẫn thách thức trong lĩnh vực thương mại nội khối. 

Mặc dù vậy, trong lĩnh vực đầu tư có thể có nhiều tiến triển mạnh mẽ hơn. Việt Nam, với tư cách là một nền kinh tế có nhiều lao động giá rẻ và thiếu vốn, sẽ có cơ hội nhận được nhiều nguồn lực tài chính hơn khi môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, các rào cản đối với sự luân chuyển của các dòng vốn được hạ thấp hơn.

Các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, lắp ráp… có thể nhận được thêm các nguồn lực mới từ các nước ASEAN để tăng xuất khẩu sang các nước phát triển. Cơ hội tìm việc làm của người lao động Việt Nam, vì vậy, sẽ nhiều hơn.

Nhưng các ngành sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu trong nước sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong cạnh tranh. Cơ hội gia tăng đầu tư (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) vào Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ các doanh nghiệp trong nước tại ngành bán lẻ bị thâu tóm sẽ lớn hơn để phục vụ cho việc đưa hàng hóa tiêu dùng của các nước ASEAN vào Việt Nam.

Đầu tư của các nước ASEAN vào các ngành như tài chính, bất động sản cũng sẽ nhiều hơn do các thị trường này ở Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình phát triển. Các ngành công nghiệp lạc hậu, gây ô nhiễm cũng có thể sẽ được đầu tư mạnh vào Việt Nam, nếu không bị các rào cản kỹ thuật chặn lại.

Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung hay việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN nói riêng đều mang đến cả cơ hội lẫn thách thức khi các nước cùng nhau cam kết mở của thị trường của mình.

Việc tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức, một phần, sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành mà Việt Nam không có lợi thế so sánh, thì việc nỗ lực không phải lúc nào cũng đem lại các kết quả như mong muốn. Các doanh nghiệp này cần chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang các ngành khác mà Việt Nam có lợi thế so sánh.  

Tóm lại, khi gia nhập AEC, Việt Nam có cơ hội  nhận được nhiều vốn hơn để tạo nhiều việc làm hơn cho các lao động giá rẻ. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc người nước ngoài sẽ tham gia kiểm soát các hoạt động kinh tế ở Việt Nam nhiều hơn.

Nguyễn Đức Độ

Hạnh Lệ

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên