MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Khác với các đối thủ, Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ"

Việt Nam khác với các đối thủ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trên 6,5%. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và phát triển...

Sáng nay (ngày 1/12/2015), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên cuối kỳ năm 2015 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội. Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập”, diễn đàn lần này sẽ tập trung vào việc phân tích môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam tiến hành cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm.

Môi trường kinh doanh còn nhiều yếu kém, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và còn nhiều việc phải làm, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.

Do vậy chủ đề xuyên suốt của diễn đàn lần này là Việt Nam với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đã kết thúc đàm phán TPP, đang tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và nhiều hiệp định quan trọng như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA với Liên minh kinh tế Á Âu...

“Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môi trường kinh doanh là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam trong tiến trình hội nhập hiện nay. 10 nhóm vấn đề của diễn đàn lần này bao gồm: thương mai, đầu tư, vốn, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng...” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Kyle F. Kelhofer - Giám đốc Khu vực Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC) chia sẻ, năm 2015 đã chứng kiến những nỗ lực hội nhập rất lớn của Việt Nam khi tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng như FTA với EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc ; cũng như hoàn tất đàm phán TPP.

“Việt Nam khác với các đối thủ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trên 6,5%. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và phát triển” - ông Kyle cho biết.

Theo ông Kyle, năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào các yếu tố như vốn, tài chính... Do vậy, để phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần khai thác cơ hội để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp sáng tạo nhằm tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh phát triển môi trường kinh doanh, gắn kết giữa các khu vực kinh tế.

“Nền kinh tế Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường các điều kiện để tạo tác động lan tỏa và duy trì sức mạnh cạnh tranh trong khu vực” – ông Kyle Kelhofer chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Kyle cũng cho rằng, những kết quả trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đã đạt được là hết sức hứa hẹn. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu còn lớn, song những cải cách trong thời gian qua cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng và có một hệ thống tài chính lành mạnh.

Về cơ sở hạ tầng, ông Kyle khẳng định, đây vẫn là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Vẫn có những nguồn  lực để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

“Tuy nhiên, những nguồn lực để tăng trưởng nông nghiệp như nguồn lao động giá rẻ và nguyên liệu dồi dào của Việt Nam đã bị sử dụng gần như cạn kiệt. Do vậy, Việt Nam cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một năm quan trọng để Việt Nam đạt được những kết quả tích cực” – Chủ tịch IFC nhấn mạnh.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên