MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi Bộ trưởng xắn tay soạn luật

Được tổ chức trong phạm vi khá hẹp, song hội thảo khoa học về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) sáng 2/8 kéo dài qua 12 giờ không chỉ ít phút.

Cùng với Chủ nhiệm Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (cơ quan tổ chức hội thảo), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có mặt từ gần 8 giờ để đón khách, trong vai trò trưởng ban soạn thảo dự án luật.

Sau lời khai mạc của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Khoa học - Công nghệ và Môi trường - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khi giới thiệu tóm tắt về những điểm mới của dự án luật đã nhấn mạnh quy định vốn khác nhau thì quản lý khác nhau khi sửa luật.

Trong mối quan hệ với dự án Luật Đầu tư công sẽ cùng được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay với dự án Luật Xây dựng sửa đổi, Bộ trưởng cho biết Thường trực Chính phủ đã có sự thống nhất cao.

Đó là đối với các dự án đầu tư có xây dựng công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì Luật Xây dựng không điều chỉnh việc phân bổ vốn và quản lý vốn đầu tư mà tập trung điều chỉnh việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và các yếu tố đặc thù mang tính kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành như: quy hoạch xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế xây dựng, định mức, đơn giá xây dựng, tổng dự toán, chất lượng, an toàn công trình xây dựng...

"Với vốn nhà nước, sẽ quản chặt chi phí, quản chặt kỹ thuật và thiết kế để khắc phục hiện tượng nâng khối lượng và giá trị công trình", Bộ trưởng nói.

Sau phát biểu của vị tư lệnh ngành xây dựng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng được mời đóng góp ý kiến đầu tiên.

"Rất mừng là ban soạn thảo dự án luật đã quan tâm đến các ý kiến đóng góp, đích thân Bộ trưởng làm việc hai lần với Tổng hội", ông Hùng phát biểu.

Đề nghị vẫn giữ quy định về đấu thầu, ông Hùng cho rằng quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách là vấn đề rất lớn nên đưa ra quy định quản qua suất đầu tư là rất quan trọng.

Cũng lo ngại về tiêu cực từ đầu tư công, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh rằng không chỉ lãng phí, tham nhũng mà chất lượng dự án xây dựng từ vốn nhà nước hầu hết đều có vấn đề.

Đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục khi sửa luật, ông Liêm nhận xét “chưa thấy có bộ nào cẩn thận như Bộ Xây dựng” khi Bộ trưởng đã hai lần, và thứ trưởng một lần, đã đến nghe ý kiến của Tổng hội để hoàn thiện dự án luật.

Tuy nhiên, ông Liêm vẫn “mách” Bộ trưởng rằng nên có luật mới đổi mới toàn diện cơ chế ngành xây dựng cho phù hợp thông lệ quốc tế.

"Đầu tư nhiều mà hiệu quả tăng GDP thì ít nên ICOR của Việt Nam cao hàng đầu thế giới, 8 đồng đầu tư mới tạo được 1 đồng GDP, trong khi các các nước chỉ cần 3 đồng. Đã đi sau còn đắt gấp đôi người ta thì làm sao mà tiến kịp người ta được. Doanh thu ngành xây dựng rất lớn nhưng giá trị gia tăng thì không cao", ông Liêm góp ý.

Sự lắng nghe và đối thoại của chính người đứng đầu ban soạn thảo dự án luật dường như cũng truyền thêm cảm hứng cho hội thảo. Đại diện các Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam... đều lên tiếng, cả góp ý và tranh luận.

Phát biểu gần sau cùng, dù được lưu ý về thời gian, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh vẫn nhấn mạnh là bà “đánh giá cao sự có mặt của Bộ trưởng”.

Bởi tại nhiều hội thảo khác về dự án luật, Bộ trưởng Dũng cũng đến, trong khi có nhiều bộ trưởng toàn ủy quyền cho thứ trưởng, thậm chí thứ trưởng còn ủy quyền cho cấp dưới nữa.

Hơn 12 giờ, sau khi lắng nghe toàn bộ các ý kiến, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói, Luật Xây dựng không phải làm cho Bộ Xây dựng, mà cho cả nước. “Tôi chỉ là người chắp bút, còn phải có ý kiến đóng góp của toàn dân”.

Vẫn đang ở giai đoạn chuẩn bị, còn quá sớm để có thể nói về chất lượng của dự án Luật Xây dựng sửa đổi. Song, sự xắn tay vào cuộc trong quá trình soạn thảo của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã được nhìn nhận như một điểm cộng.

Cho dù, điều này lẽ ra là rất bình thường, nếu như thời gian qua không có hiện tượng như đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã nói ở trên.

Tại nghị trường, những nhược điểm cố hữu của công tác xây dựng luật, pháp lệnh qua nhiều kỳ họp, thậm chí qua nhiều khóa Quốc hội cũng đã được nhìn nhận. Như công tác chuẩn bị soạn thảo các dự án luật chậm, không đồng bộ, không đảm bảo tiến độ và chất lượng, việc điều chỉnh chương trình quá lớn, văn bản hướng dẫn thi hành luật ban hành chậm…

Mà nguyên nhân của những hạn chế này, cũng có phần từ mức độ “xắn tay” vào cuộc của chính các vị tư lệnh ngành.

Theo Nguyễn Vũ

thanhhuong

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên