Khi các FTA được ký kết sẽ mở ra cơ hội mới
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời phỏng vấn báo chí nhân sự kiện ký kết Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA).
Trong năm 2014, Việt Nam và các đối tác đã kết thúc đàm phán 3 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và với Liên minh Hải quan Belarus - Kazakhstan và Nga. Xin Bộ trưởng cho biết khái quát các nội dung chính của các Hiệp định này?
Trong những tháng cuối năm 2014, được sự đồng ý của Lãnh đạo Cấp cao các bên, Việt Nam đã lần lượt kết thúc về cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan.
Đây là các Hiệp định FTA thế hệ mới toàn diện, bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, thương mại địch vụ, đầu tư, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, phát triển bền vững, thể chế và pháp lý,...
Việc tiến hành đàm phán các Hiệp định trên được tiến hành đồng thời và các Đoàn đàm phán đã phối hợp chặt chẽ tuân thủ các phương án đàm phán được chỉ đạo thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật trong nước, đồng thời đảm bảo sự cân bằng quyền lợi, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.
Các Hiệp định trên sẽ được các bên tiếp tục hoàn thiện về mặt kỹ thuật và hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để chính thức ký kết trong nửa đầu năm 2015.
Về FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam và EU đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA vào tháng 6 năm 2012 tại Brúc-xen, Bỉ. Đến nay, đàm phán đã trải qua 10 phiên chính thức, nhiều phiên giữa kỳ.
Ngày 13-10 vừa qua, ngay sau phiên đàm phán thứ 10 tại Brúc-xen, Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch châu Âu José Manuel Barosso đã có buổi thảo luận về kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Trong Tuyên bố chung, hai nhà Lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA trên cơ sở ghi nhận tiến triển rất tích cực và mức độ thỏa thuận đáng kể trong tất cả các lĩnh vực đàm phán. Đồng thời, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất định hướng xử lý các vấn đề còn tồn tại để kết thúc đàm phán trong một vài tháng tới.
Đến nay, hai bên đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng (như hải quan và thuận lợi hóa thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, minh bạch hóa, giải quyết tranh chấp, hợp tác,v.v.). Hiện tại, hai bên đang tập trung xử lý một số vấn đề then chốt nhất để chính thức kết thúc đàm phán, hướng tới một thỏa thuận đạt yêu cầu chất lượng cao và cân bằng trong tất cả các lĩnh vực đàm phán mở cửa thị trường (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công) cũng như các quy định và quy tắc quản lý (đặc biệt là sở hữu trí tuệ, bao gồm chỉ dẫn địa lý của hai bên; doanh nghiệp nhà nước; bảo hộ đầu tư; v.v).
Về Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA): Việc đàm phán Hiệp định này được khởi động tại Hà Nội ngày 6-8-2012. Sau 8 phiên đàm phán chính thức và 8 phiên họp giữa kỳ, họp cấp Trưởng đoàn đàm phán, hai bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích.
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, nhân dịp Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Park Geun Hye, ngày 10-12- 2014 tại Busan, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán VKFTA.
Trong Hiệp định này, phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cam kết dành thêm cơ hội thị trường cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư của Việt Nam và nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, dành hỗ trợ kỹ thuật toàn diện trong nhiều lĩnh vực.
Phía Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 2.500cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, sản phẩm sắt thép, dây cáp điện, việc nhập khẩu các hàng hóa này vừa nhằm góp phần đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước đối với những loại Việt Nam đang thiếu, lại vừa góp phần đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một vài nước.
Về Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan (VCUFTA): Đàm phán Hiệp định chính thức được khởi động tại Hà Nội ngày 28-3-2013. Sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật, hai bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng Bên.
Ngày 15-12-2014, tại Phú Quốc, Kiên Giang, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đại sứ, đại diện của 3 đại sứ quán, lãnh đạo của một số Bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và Bộ trưởng A. Slepnev, Trưởng đoàn đàm phán phía Liên minh Hải quan đã ký tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định.
Phía Liên minh Hải quan đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, bao gồm tất cả các mặt hàng thủy sản và hàng công nghiệp như dệt, may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.
Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh Hải quan đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
Với vai trò Trưởng Đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (VCUFTA), xin Bộ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn trong các vòng đàm phán Hiệp định này?
Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Hải quan vốn có quan hệ anh em gắn bó lâu dài, với bề dày lịch sử gần 65 năm kể từ thời Liên Xô. Trong bối cảnh hiện nay, Liên minh Hải quan đặc biệt quan tâm đến đẩy mạnh phát triển hợp tác về mọi mặt với nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam.
Đây cũng là đặc điểm riêng của việc đàm phán VCUFTA. Trong quá trình đàm phán, thành viên Đoàn đàm phán hai bên, trong khi luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là đảm bảo lợi ích đất nước, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên, đã một nữa khẳng định tình hữu nghị, luôn cố gắng để có những linh hoạt trong khá nhiều vấn đề.
Một đặc điểm khác biệt nữa của việc đàm phán VCUFTA đó là FTA này là FTA đầu tiên được Liên minh Hải quan đàm phán với một nước ngoài khối. Đồng thời, về mặt tổ chức, Liên minh Hải quan còn đang được liên tục hoàn thiện và bắt đầu từ ngày 1-1-2015 Liên minh này sẽ trở thành Liên minh Kinh tế Á Âu.
Do vậy, trong các phiên đàm phán đầu, phía bạn gặp khó khăn về tham vấn nội bộ, đặc biệt là do Kazakshtan và Belarus chưa phải là thành viên WTO trong khi, như tất cả các FTA khác, Hiệp định này được đàm phán dựa trên các nguyên tắc và quy định của WTO.
Đối với Việt Nam, khó khăn nhất là nhân lực đàm phán, vì trong cùng một thời điểm, ta đồng thời phải đàm phán 6 FTA (TPP, với EU, Liên minh Hải quan, Hàn Quốc, EFTA và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP); điểm thuận lợi là chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là quan trọng; về kinh nghiệm, ta đã ký kết 8 FTA, đang đàm phán 6 Hiệp định, nên phía Việt Nam luôn thể hiện tinh thần hợp tác và sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần thiết.
Nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các thành viên Đoàn đàm phán hai bên, cùng với sự chỉ đạo sát sao của các Lãnh đạo cấp cao hai bên, chỉ trong vòng gần 2 năm đàm phán, với 8 vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ, hai bên đã kết thúc việc đàm phán Hiệp định, được khẳng định như là một công cụ quan trọng để góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác và củng cố sự phát triển thương mại và đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Sau 8 phiên đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan vừa kết thúc. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa kinh tế của Hiệp định này đối với các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác?
Liên minh Hải quan, với 3 thành viên hiện tại, là một thị trường rộng lớn có diện tích tự nhiên 20 triệu km2 với khoảng 170 triệu dân. Đây cũng là một thị trường mới mở cửa, có mức tăng trưởng GDP khá và tương đối ổn định. Tổng GDP của khối hiện nay đạt khoảng 2.500 tỷ USD. Đối với hàng tiêu dùng, đây cũng là thị trường không quá khó tính, nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu đang ngày càng được đa dạng hóa.
Đồng thời, do Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh, nên việc ký kết Hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường Liên minh sớm hơn các đối tác khác, với các điều kiện ưu đãi hơn; giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn chưa ổn định như hiện nay.
Đối với thương mại hàng hóa, một phân tích sử dụng mô hình GTAP để đánh giá tác động của VCUFTA đối với thương mại hàng hóa cho thấy những mặt hàng của Việt Nam có khả năng tăng trưởng xuất khẩu cao sang Liên minh bao gồm các mặt hàng: thủy sản, gạo, các mặt hàng thực phẩm, hàng may mặc, đồ da, đồ gỗ; của Liên minh sang Việt Nam là hoa quả, dầu và khí, các sản phẩm thịt, các sản phẩm sữa, ô tô và phụ tùng, thiết bị vận tải, đồ da và một số khoáng sản.
Về thương mại, theo tính toán sơ bộ, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch hai chiều của hai bên sẽ tăng bình quân 18-20%/năm, từ mức khoảng 4 tỷ USD năm 2014 lên 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020.
Đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, phân tích quan hệ song phương cho thấy, đầu tư trực tiếp từ phía Liên minh vào Việt Nam cũng như từ Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng nhờ các cam kết tự do hóa và môi trường đầu tư thuận lợi hơn, chất lượng đầu tư cũng được cải thiện hơn. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng sẽ nhận được những tác động tích cực như: quy mô sản xuất một số mặt hàng tăng lên; thu nhập và việc làm cho người lao động được cải thiện.
Thông qua FTA, dịch vụ tài chính - ngân hàng, dịch vụ logistics và hợp tác về hải quan được mong đợi là những lĩnh vực sẽ được hai bên ưu tiên tự do hóa. Ngoài ra, những cơ sở do Liên minh đầu tư tại Việt Nam và Việt Nam tại Liên minh có thể mở rộng đầu tư hoặc xuất khẩu sang thị trường các nước láng giềng, các nước đã ký FTA với Việt Nam. Đây cũng là những lợi thế hai bên mong đợi khi đàm phán FTA.
Danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên Liên minh và của các thành viên Liên minh sang Việt Nam không mang tính cạnh tranh mà chủ yếu mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Việc cắt giảm/xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh của Việt Nam như hàng nông thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ...
Cũng nhờ tính bổ trợ này, việc nhập khẩu các mặt hàng mà phía Liên minh có thế mạnh sẽ giúp cải thiện cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một vài nước, trong khi không làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh ngành của Việt Nam.
Các nước Liên minh là những nước đã có nền công nghiệp phát triển tương đối cao trong các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật như năng lượng, dầu khí, công nghệ chế tạo máy... FTA sẽ giúp doanh nghiệp hai Bên học hỏi kiến thức để cùng phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ tiếp thu công nghệ tiên tiến của Liên minh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
>>>Kết thúc đàm phán FTA Việt Nam-Liên minh Hải quan
Theo Thiện Thuật