MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi luật không rõ ràng

Hiện tượng lao động bỏ việc về quê không chỉ thể hiện sự dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp, mà một phần còn thể hiện người lao động nhận thấy mức thu nhập được chi trả không đảm bảo...

Sáng 6/8/2014, Hội đồng lương Quốc gia – với đại diện của Bộ LĐ-TB&XHVCCI và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng sẽ thực hiện từ năm 2015 ở mức 15%. Như vậy, lương bình quân sẽ tăng từ 300.000 – 400.000 đồng/tháng, tùy theo từng vùng.

Với tư cách tổ chức đại diện cho giới chủ sử dụng lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) dường như chấp nhận được mức tăng này. Vì so với mức tăng trong đề xuất những ngày trước đó lên tới 35%, thì việc lương tối thiểu "chỉ" tăng 15% là kết quả đàm phán có thể chấp nhận được. Còn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cơ quan về lý thuyết là đại diện cho người lao động – thì mức tăng 15% cũng có thể đánh giá là thành công trong việc thực hiện vai trò của tổ chức này. Nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp vẫn khó khăn hiện tại.

Miễn cưỡng chấp thuận

Biết chắc tăng lương tối thiểu ở tỷ lệ này vẫn sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp, thế nên quan điểm đại diện VCCI khá gượng gạo khi nhận xét về vấn đề này. Chủ tịch VCCI – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – cho biết, tiêu chí về "mức sống tối thiểu" cần được "định danh, định tính" cụ thể. Vì hiện thu nhập tối thiểu của người lao động đang không rõ ràng giữa việc chỉ dùng để nuôi người đó, hay là còn dùng để nuôi gia đình, hoặc có tích lũy. Theo đó, nhu cầu sống tối thiểu của mỗi lao động khác nhau, nên sẽ khó đưa ra được tiêu chí lương tối thiểu một cách chính xác.

Một cách kín đáo, ông Lộc cảnh báo, việc tăng lương tối thiểu sẽ tăng thêm gánh nặng của doanh nghiệp, và sẽ ảnh hưởng tới không chỉ việc giải quyết lao động trong giai đoạn hiện tại mà sẽ làm hẹp cơ hội tìm kiếm việc làm của khoảng trên 1,6 triệu người hàng năm bước vào độ tuổi lao động. Lý do vì lương cao sẽ khiến doanh nghiệp chú trọng cắt giảm chi phí, việc làm để duy trì hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Do đó, quan điểm của VCCI là việc tăng lương cần tuân theo lộ trình cụ thể và phải căn cứ vào sức chịu đựng của doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn chồng chất như hiện tại, thì để doanh nghiệp tăng lương cho người lao động, lại cần có nhiều hơn những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. Đây cũng chính là những cam kết mà các cơ quan quản lý và Chính phủ đã "hứa" nhiều lần, nhiều năm.

Trên thực tế cho tới nay, lợi thế được cho là lớn nhất của kinh tế Việt Nam vẫn là nguồn lao động rẻ. "Từ lao động rẻ chuyển sang lao động chất lượng, có giá trị gia tăng cao, tiền lương cao thì phải có quá trình" – ông Lộc kín đáo chỉ ra điểm mâu thuẫn trong thỏa hiệp tăng lương lần này. Vì lương đang tăng đều đặn theo kế hoạch, theo nghị quyết, mà không cần căn cứ vào bản chất của nền kinh tế và đặc trưng hoạt động của doanh nghiệp.

Sự thay đổi mứclương tối thiểu theo vùng (đơn vị: đồng)


Chia sẻ quan điểm này, Tổng giám đốc một doanh nghiệp ngành may cho biết, việc tính lương cho các công nhân trực tiếp phải căn cứ vào đơn giá sản xuất. Nói cách khác là lương người lao động trực tiếp bị quy định bởi giá gia công. Nên áp đặt mức tăng lương tối thiểu bằng mệnh lệnh hành chính, thì về bản chất là bóp méo cơ cấu giá thành của doanh nghiệp, chứ không hẳn là trợ giúp người lao động.

Theo Điều 91 của Bộ luật Lao Động (có hiệu lực năm 2012), "Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ…". Căn cứ vào "định nghĩa" này, thì có thể thấy phần lớn doanh nghiệp hiện nay đều không chấp hành đầy đủ quy định về lương tối thiểu.

Mức sống tối thiểu: Ai định danh?

Bất kể là doanh nghiệp thành thị hay nông thôn, thì mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động hiện đều không căn cứ theo "chuẩn" có đảm bảo đủ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ hay không. Đơn giản vì chưa có "chuẩn" nào được quy định một cách cụ thể. Do đó, thực tế áp dụng luật lại "đẻ" ra mâu thuẫn, là mức lương cơ bản doanh nghiệp trả cho người lao động, rất có thể, lại không đồng nhất với mức sống tối thiểu. Hiểu theo nghĩa là lương có thể cao hơn tại một số doanh nghiệp làm ăn tốt, nhưng đa phần là chỉ tính theo mức lương cơ bản của Nhà nước, phân biệt theo vùng. Nói cách khác là chính quy định thiếu rõ ràng tại Luật Lao động đã khiến doanh nghiệp không tính lương người lao động dựa trên mức sống tối thiểu.

Không riêng Bộ luật Lao động, mà ngay tại Kết luận số 23-KL/TƯ ngày 29/5/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI cũng đặt yêu cầu phải điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn, để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu. Tuy nhiên cho đến nay, tức là chỉ còn nửa năm nữa để áp dụng mức lương tối thiểu mới, thì thế nào là mức sống tối thiểu cũng chưa có cơ quan nào định nghĩa, quy định các tiêu chí cho chính xác. Xác định mức sống tối thiểu của một lao động đã khó, thì việc xác định mức sống tối thiểu của gia đình lao động ấy còn khó khăn hơn.

Một giả thiết khác, nếu xác định "nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ…" là căn cứ theo và tương ứng với việc xác định chuẩn nghèo thành thị, nông thôn – vốn đã có tiêu thức phân biệt cụ thể – thì có thể thấy mức lương cơ bản tối thiểu theo quy định trước đây đã vượt qua "ngưỡng chuẩn" nghèo thành thị. Do thế, việc xác định mức sống tối thiểu nếu được thực hiện, thì cũng lại dễ mâu thuẫn với các tiêu thức về xác định chuẩn người nghèo, cần được trợ cấp. Vì rõ ràng, việc xác định thế nào là người nghèo, hộ nghèo là căn cứ theo thu nhập bình quân hàng hàng, ở mức vài trăm nghìn đồng/người mỗi tháng.

Cần nhắc lại là, trong khi ai cũng rõ, nếu như thu nhập người lao động tại các doanh nghiệp trong khu vực thành thị hiện đã tạm đủ để người lao động chi trả những nhu cầu tối thiểu thì thu nhập của công nhân lao động trực tiếp tại đa số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, lại hoàn toàn chưa đủ dù chỉ để người công nhân đó sống, duy trì và tái tạo sức lao động.

Hiện tượng lao động bỏ việc về quê không chỉ thể hiện sự dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp, mà một phần còn thể hiện người lao động nhận thấy mức thu nhập được chi trả không đảm bảo để họ xây dựng cuộc sống lâu dài gắn với đồng lương. Đó là vấn đề rất rõ ràng. Trong khi đó, quy định về mức sống tối thiểu của Luật Lao động lại rất thiếu rõ ràng. Và thế là lương thì vẫn cứ tăng, nhưng lại không biết đến bao giờ mới đảm bảo được mức sống tối thiểu.

>> Lương tối thiểu vùng 2015: Chốt đề xuất tăng 15%

Theo Tư Hải

thunm

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên