MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi tăng trưởng không còn phải đánh đổi bằng lạm phát

Việt Nam có CPI tăng thấp nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, đó là thành công của nền kinh tế...

Lạm phát thấp nhất 14 năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm 2015 tăng 0,63%; thấp hơn mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%; đây là mức tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 đến nay.

Lý giải nguyên nhân của lạm phát thấp, Tổng cục Thống kê cho biết, do nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào; sản lượng lương thực thế giới tăng với sự cạnh tranh từ các nước như Thái Lan, Ấn Độ nên việc xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn hơn. Do đó, giá lương thực của Việt Nam luôn ở mức thấp hơn các nước khác.

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu (xăng dầu) giảm mạnh; mức độ điều chỉnh giá của các nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước; yếu tố tâm lý, chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn... cũng là những nguyên nhân khiến CPI năm nay chỉ đạt mức tăng nhẹ dưới 1%.

Tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất 5 năm

Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội năm 2015 mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 tới nay, cho thấy nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của cả giai đoạn 2011 - 2015 đã có bước phát triển tích cực khi nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu trong ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tiền tệ linh hoạt, lạm phát tăng ở tốc độ thấp, mặt bằng lãi suất giảm góp phần khai thông tín dụng, từng bước xử lý nợ xấu. Điều này giúp cho tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn là 5,91%.

Mức tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6,68% được ghi nhận cao nhất trong vòng 5 năm qua. Năm 2011 GDP tăng 6,25%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42%, năm 2014 tăng 5,98%.

Khi tăng trưởng không còn phải đánh đổi bằng lạm phát

Trước mức lạm phát quá thấp, có ý kiến cho rằng, để một nền kinh tế tăng trưởng tốt cũng cần phải kèm theo một mức lạm pháp nhất định. Lạm phát năm nay thấp hơn nhiều mục tiêu Quốc hội đã đề ra đầu năm là 5%, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ, mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng là mối quan hệ phi tuyến tính.

“Đối với các nước phát triển thì lạm phát trên 10% được cho là phù hợp với tăng trưởng, nhưng các nước đang phát triển như Việt Nam thì mức lạm phát dưới 7-8% là phù hợp cho tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện rõ là lạm phát năm nay thấp nhưng tăng trưởng GDP lại cao hơn năm ngoái. Nó cũng cho thấy, chất lượng tăng trưởng của 2015 đã được khẳng định qua các chỉ số vĩ mô” – ông Lâm cho biết.

Trước câu hỏi liệu lạm phát thấp có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không, lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định, giá chỉ là một yếu tố kích thích các nhà sản xuất, yếu tố sức mua mới là quan trọng. Bởi CPI tăng thấp thì chi tiêu của người dân không bị ảnh hưởng nhiều, từ đó làm tăng tổng cầu khiến cho nền kinh tế vẫn tăng trưởng.

Còn theo bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, lạm phát chỉ là một yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế, song có thể thấy năm nay lạm phát thấp nhưng tăng trưởng vẫn cao, có thể nói đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

"Điều này chứng minh chúng ta đã không phải đánh đổi việc giảm giá đồng tiền, tức là tăng giá để có sự phát triển mà vẫn giữ giá để đạt được tốc độ như ngày hôm nay. Đây là thành công lớn của nền kinh tế trong năm vừa qua, cho thấy những biện pháp kiểm soát đã phát huy kết quả" - bà Thủy chia sẻ.

Theo Đại diện Tổng cục Thống kê, việc Chính phủ đề ra mục tiêu lạm phát trong kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên rất nhiều yếu tố, căn cứ quan trọng, bao gồm tình hình lạm phát thực tế giai đoạn trước đó và trong chu kỳ.

Trong giai đoạn 2011-2015, những năm đầu lạm phát lên rất cao, có năm lên hơn 18% và lịch sử cho thấy chu kỳ lạm phát cao sẽ kéo dài lâu hơn chu kỳ mức thấp. Vậy nên việc đặt mục tiêu 5% phản ánh sự thận trọng của nhà điều hành đối với mức tăng giá chung.

“Việt Nam có CPI tăng thấp nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, đó là thành công của nền kinh tế” – Đại diện Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên