MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn lớn nhất để ký kết TPP là tiếp cận thị trường nông nghiệp, dịch vụ

Chỉ khi nào Việt Nam đạt được lợi ích cốt lõi của mình trong xuất khẩu dệt may, giày dép; cũng như Hoa Kỳ yên tâm ở mức độ mở cửa dịch vụ thị trường, ... thì mới có thể đi đến ký kết TPP

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP đã có cuộc trả lời Báo điện tử Chính phủ về tiến trình đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ- đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam trong các nước tham gia TPP cũng như những khó khăn để ký kết Hiệp định này.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Việt Nam đã đàm phán song phương với nhiều nước như Úc, Nhật, Mexico. Tất nhiên, việc đàm phán với Hoa Kỳ rất quan trọng trong khuôn khổ là một đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn.

Nội dung đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chứa đựng các quyền lợi cốt lõi của Việt Nam, nhất là các quyền lợi trong xuất khẩu ngành hàng dệt may, da giày. Ta cũng đàm phán mở cửa thị trường cho Hoa Kỳ với ngành hàng ô tô, thịt lợn, thịt gà, sắt thép và Hoa Kỳ cũng rất quan tâm tới mở cửa thị trường dịch vụ, mua sắm chính phủ, cải thiện quy định đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh nội dung này, còn một số nội dung khác như: Doanh nghiệp nhà nước, bảo tồn động vật hoang dã,… Nhìn chung nội dung đàm phán với Hoa Kỳ tương đối rộng và phức tạp.

Trong những nội dung đàm phán với Hoa Kỳ thì nội dung nào là phức tạp nhất và có thể được giải quyết lâu nhất?

Ông Trần Quốc Khánh: Mỗi vấn đề nêu trên có sự phức tạp riêng nên khó nói cái nào khó hơn cái nào. Ví dụ Hoa Kỳ yêu cầu ta có tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là yêu cầu rất khó thực hiện, hay vấn đề thực thi toàn diện chống buôn bán động vật hoang dã và thực hiện Công ước Cites.

Ta thống nhất nguyên tắc thực thi toàn diện nhưng nếu lỡ vì một lý do hết sức khách quan là Việt Nam thiếu nguồn lực thực thi hiệu quả mà Hoa Kỳ lại đưa ra cơ chế trừng phạt thương mại, rút lại ưu đãi, thí dụ không cho hưởng ưu đãi về dệt may nữa thì là cái chúng ta không muốn. Thực sự chúng ta không muốn.

Do vậy, vấn đề chỗ này là phải có một sự quan tâm đến khả năng thực thi của các nước đang phát triển (khi tham gia TPP- PV), phải xử lý khúc mắc trên hợp tác chứ không phải mang nhau ra mà trừng phạt nhau. Nói tóm lại mỗi một vấn đề đều có độ phức tạp và đều khó nhưng vấn đề quan trọng nhất là nội dung đàm phán mở rộng thị trường. Chỉ khi nào ta đạt được quyền lợi của mình về xuất khẩu dệt may, giày dép cũng như Hoa Kỳ yên tâm ở mức độ mở cửa dịch vụ thị trường, hàng hóa hay mua sắm chính phủ mà ta dành cho họ thì lúc đấy các vấn đề khác có thể xử lý được. Đây là vấn đề đám phán khó khăn nhất và không loại trừ khả năng chỉ có thể giải quyết ở lúc cuối của tiến trình đàm phán khi có quyết định ở cấp cao nhất.

Ông đánh giá thế nào về tiến độ đàm phán Hiệp định TPP?

Ông Trần Quốc Khánh: Cá nhân tôi thấy đúng tốc độ mọi người (các nước tham gia Hiệp định- PV) mong chờ. Vừa qua, phiên đàm phán ở Hà Nội (diễn ra đầu tháng này) được các đoàn đánh giá rất thành công. Các nước tham gia đàm phán đã thống nhất được với nhau về các gói để kết thúc đàm phán trong nhiều lĩnh vực và xác định các vấn đề còn lại để xây dựng các gói đánh đổi cuối cùng để hướng tới kết thúc việc đàm phán Hiệp định.

Nhưng các vấn đề tồn tại tới lúc này là khó nhất, nên lấy cái gì để đánh đổi lúc này là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, các nước đã thống nhất kết quả phiên đàm phán tại Hà Nội, để tổ chức một phiên cấp Trưởng đoàn trước tháng 11 tới với nỗ lực thu hẹp bất đồng, đưa các vấn đề còn lại dưới các cách đánh đổi khác nhau để các Bộ trưởng đưa ra quyết định chính trị cuối cùng.

Nếu với nỗ lực đã đưa ra tại Hà Nội, nếu các nước tiếp tục dành cho nhau sự linh hoạt như tại Hà Nội thì tôi nghĩ vẫn còn khả năng có thể sẽ đi đến một sự kết thúc thành công TPP trong thời gian tới. Chúng tôi lạc quan hơn sau phiên đàm phán TPP ở HN vừa qua.

Vừa qua Tổng thống Mỹ Barrack Obama trình Quốc hội nước này xem xét, thông qua dự luật về thẩm quyền đàm phán nhanh (TPA) để sớm kết thúc đàm phán TPP. Ông đánh giá thế nào về việc “ứng xử” của Quốc hội Mỹ với đề nghị của Tổng thống tới sự thành công của TPP?

Ông Trần Quốc Khánh: Để Hoa Kỳ ký TPP với các nước thì Chính phủ của ông Obama phải cần tới TPA, tức là Chính phủ mang kết quả đàm phán về để Quốc hội nói thông qua hoặc không thông qua chứ không được sửa các nội dung đã đàm phán.

Dự luật này đã được mang ra Quốc hội Hoa Kỳ nhưng tới nay tôi chưa thấy tiến triển nào để Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Trong cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh với hai lãnh đạo Ủy ban Tài chính của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ vừa qua, Phó Thủ tướng đã nêu vấn đề này và nhận được lời khẳng định của hai vị này là họ đã biết về vấn đề này và sẽ nỗ lực cùng chính quyền Tông thống Obama thông qua đàm phán nhanh để ký TPP trong thời gian tới.

Nhưng có thể xảy ra một khả năng là các nước hoàn tất TPP vào tháng 11/2014 thì sau đó, khi Hoa Kỳ họp Quốc hội thành phần mới sau cuộc bầu cửa giữa kỳ thì họ sẽ cùng lúc đưa ra TPA và bản Hiệp định TPP. Cũng không loại trừ họ thông qua TPA trước và sau đó họ sẽ thông qua TPP trên cơ sở dự luật TPA. Đây là kịch bản tốt  nhất.

Tuy nhiên, việc thông qua dự luật TPA trao cho Chính phủ Hoa Kỳ chắc phải thông qua trong nửa đầu 2015 và chúng ta phải chờ trong thời gian này. Nếu không được thì chắc là khó vì nửa sau 2015 toàn bộ giới chính trị Hoa Kỳ tập trung cho tranh cử Tổng thống nên không còn thời gian đưa vấn đề lớn vậy vào trong nghị trình.

Nhưng với tư cách thực hiện đàm phán thì ta phải kết thúc việc này đã. Quốc hội Hoa Kỳ có cho phép ông Obama ký hiệp định đấy hay không là câu chuyện riêng của Hoa Kỳ. Với ta khi đàm phán xong cũng phải mang về cho Quốc hội quyết định chứ không riêng gì Hoa Kỳ quyết định.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thành Chung

huongtt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên