Quặng lậu vượt biển ra nước ngoài
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có
trữ lượng khoáng sản phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, công tác quản lý
khai thác, chế biến trong nước còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng
khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản vẫn đang diễn biến phức tạp
bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh
sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an), thời gian vừa qua, tình hình
buôn lậu quặng vẫn tiếp diễn phức tạp. Thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay
trên tuyến đường biển là đối tượng sử dụng hình thức thuê vận chuyển nội
địa để qua mặt cơ quan chức năng rồi xuất lậu quặng thô đi Trung Quốc.
Hoạt động này thường có sự tiếp tay của doanh nghiệp xuất hóa đơn mua
bán quặng nội địa và doanh nghiệp chủ phương tiện vận tải biển tổ chức
vận chuyển thuê.
Cụ thể hơn về tình trạng xuất lậu khoáng
sản, quặng qua biên giới bằng đường biển, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm -
Cục trưởng Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định, hoạt động xuất lậu quặng
chủ yếu diễn ra ở vùng Đông Bắc và thị trường nhập quặng chính vẫn là
Trung Quốc.
"Quặng xuất lậu chủ yếu là quặng sắt và
titan được thu mua hợp pháp và không hợp pháp nhiều ở các tỉnh từ Nghệ
An đến Bình Thuận. Năm 2012, lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ 1 vụ
xuất lậu quặng, 4 vụ mua bán, vận chuyển quặng không có nguồn gốc hợp
pháp, tịch thu 9.606 tấn quặng các loại trị giá trên 11 tỷ đồng" - Thiếu
tướng Nguyễn Quang Đạm cho hay.
Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - Phó Tư
lệnh Bộ đội Biên phòng cũng cho rằng, hoạt động buôn lậu, gian lận
thương mại và vận chuyển trái phép than, khoáng sản tuy có giảm nhưng
vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng khai thác tràn lan khoáng sản trên
địa bàn các tỉnh tuyến biển diễn ra kéo dài rất khó kiểm soát.
"Các đối tượng vận chuyển quặng lậu trên
các tuyến biển thường sử dụng tàu có công suất lớn, lợi dụng đêm tối,
thời tiết xấu và sơ hở trong công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng
chức năng để chở hàng vượt tuyến ra nước ngoài" - Thiếu tướng Nguyễn
Cảnh Hiền chỉ rõ.
Quy chế chính sách còn nhiều kẽ hở
Có thể nhận thấy, vấn nạn buôn lậu quặng
khoáng sản hiện nay bùng phát mạnh là do việc cấp phép khai thác khoáng
sản đang diễn ra tràn lan. Khi sản lượng quặng khoáng sản thô khai thác
vượt quá năng lực chế biến, tồn kho khiến nhiều doanh nghiệp khai thác
khoáng sản lợi dụng kẽ hở của chính sách xuất khẩu, móc nối xuất quặng
thô ra nước ngoài tìm lợi nhuận để tồn tại.
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực vạch rõ hành
vi xuất lậu đã được các doanh nghiệp thực hiện bằng cách: Đưa mẫu quặng
đến các trung tâm kiểm định VILAS để được cấp chứng nhận đủ điều kiện
xuất khẩu, nhưng thực tế lại vận chuyển quặng không đủ điều kiện, không
đúng với giấy phép.
"Từ ngày 4/2/2013, Bộ Công Thương cho áp
dụng Thông tư 41 thay thế Thông tư 08 trước đây với nhiều điểm mở cho
các doanh nghiệp xuất khẩu quặng. Bộ Công an lo ngại tình trạng gian lận
thương mại, trốn thuế và buôn lậu quặng qua hình thức xuất khẩu khoáng
sản sẽ diễn ra công khai hơn, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước" -
Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực nghi ngại.
Việc các đối tượng dùng hồ sơ mua, bán,
vận chuyển quặng nói riêng, khoáng sản nói chung đi nội địa để che dấu
các hành vi xuất lậu khoáng sản là thủ đoạn thường được hay áp dụng
nhưng lại gây nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm tra. Qua đây cũng cho
thấy việc quản lý hồ sơ mua, bán khoáng sản cũng cần thiết phải được
củng cố và kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết,
nhiều khi từ thực tế thông tin nghiệp vụ nắm được, biết là tàu sẽ vận
chuyển khoáng sản lậu nhưng khi kiểm tra ở khu vực biển gần bờ thì tàu
vận chuyển khoáng sản vẫn chưa qua biên giới, lại có giấy tờ vận chuyển
quặng nội địa nên cơ quan chức năng đã không có căn cứ để đấu tranh đối
với hành vi xuất lậu khoáng sản.
Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu
quặng còn dùng nhiều phương thức vận chuyển khác nhau gây khó khăn cho
việc kiểm tra kiểm soát. Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, các đối
tượng thường xuyên thay đổi tên và số phương tiện, tuyến hành trình của
phương tiện, sử dụng hồ sơ, hóa đơn chứng từ vận chuyển trong nước (chủ
yếu ở các tỉnh miền Trung, phía Nam đi Hải Phòng, Quảng Ninh) để đối phó
với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra trên biển nhưng thực chất là
xuất lậu.
"Nếu hàng hóa không có nguồn gốc hợp
pháp, khi hành trình tàu thường chạy lòng vòng trên biển để tránh sự
kiểm soát của lực lượng chức năng, sau đó lợi dụng sơ hở vượt sang vùng
biển nước ngoài để xuất lậu" -Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nói.
Ngoài ra, các đối tượng còn có thủ đoạn
lợi dụng xuất khẩu chính ngạch để xuất quặng thô chưa qua chế biến hoặc
chế biến không đáp ứng điều kiện quy định tại thông tư số 08/2008-TT-BCT
ngày 18/6/2008 của Bộ Công Thương.
"Nhiều cá nhân lập doanh nghiệp xin cấp
đất khai thác hoặc dự án kinh tế... nhưng trong quá trình triển khai thì
"phát hiện" có trữ lượng quặng titan, doanh nghiệp làm hồ sơ xin bổ
sung chức năng thu gom, tận thu quặng titan, móc nối với các đối tượng,
các doanh nghiệp có chức năng khai thác, kinh doanh khoáng sản kí kết
hợp đồng mua bán, vận chuyển nội địa, sử dụng bộ hồ sơ lô hàng đã xuất
khẩu, lô hàng bị tịch thu đã phát mại để quay vòng, hợp thức hồ sơ hàng
lậu" - Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho
hay.
Siết quặng lậu bằng chế tài mạnh
Trước tình trạng "nóng" của việc buôn
lậu quặng khoáng sản, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực nhận kiến nghị rằng,
tại điểm 2, điều 5 của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 24/4/2012
của Bộ Công Thương có ghi: "Khi làm thủ tục thông quan, nếu hải quan
cửa khẩu có cơ sở nghi vấn lô hàng khoáng sản xuất khẩu không đạt tiêu
chuẩn chất lượng thì vẫn cho thông quan". Với ý tưởng thể hiện ở điều 5
này, Bộ Công an cho rằng, rất có thể đây là kẽ hở để các doanh nghiệp
lợi dụng xuất khẩu khoáng sản thô, khoáng sản không đủ điều kiện xuất
khẩu, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên và thuế của đất nước.
Ngoài ra, Thiếu tướng Lực cũng chỉ rõ,
hoạt động xuất khẩu trong nhiều năm qua luôn tiềm ẩn xuất lậu, Bộ Công
Thương cần rà soát số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản,
công suất, số lượng khoáng sản khai thác hàng năm, số nhà máy chế biến
tiêu thụ khoáng sản trong nước… tránh tình trạng bất cập khoáng sản khai
thác rồi không có nhà máy tiêu thụ, không đủ nhà máy có năng lực chế
biến sâu. Do vậy các doanh nghiệp muốn tồn tại phải tìm cách xuất lậu
hoặc bán cho đối tượng chuyên nghiệp buôn lậu xuất qua ngoài biên giới.
Trên phương diện kiểm soát đường biển,
Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm đề xuất với Ban chỉ đạo 127/TW kiến nghị
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan, sớm có giải pháp quản lý
chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, chế biến, hồ sơ vận chuyển quặng nội
địa – "nên hạn chế việc vận chuyển quặng nội địa để các đối tượng không
lợi dụng vào kẽ hở này để xuất lậu quặng".
"Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các điều
khoản về xử phạt hành chính đối với hành vi vận chuyển hàng hóa trái
phép ở biển theo hướng tăng mức tiền xử phạt lên gần bằng với giá trị
hàng hóa mà đối tượng buôn lậu, mua, bán, vận chuyển trái phép, hàng hóa
không có nguồn gốc. Bổ sung hình phạt tịch thu phương tiện tham gia vận
chuyển hàng lậu, hàng trái phép trên biển" - Thiếu tướng Nguyễn Quang
Đạm nhấn mạnh./.