MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không còn tiền để chi tiêu, ngân sách đang khó khăn đến mức nào?

Mấy năm nay chúng ta đã chứng kiến tình cảnh bội chi ngân sách lớn. Chi thường xuyên chiếm khoảng 71-72%; chi trả nợ chiếm 25-26% thì làm gì còn tiền cho chi đầu tư phát triển nữa...

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Trong báo cáo mới công bố về tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III năm 2015, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam đang “loay hoay” trước áp lực tài khóa.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã vay NHNN 30.000 tỷ đồng và vay Ngân hàng Vietcombank 1 tỷ USD nhằm giảm áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt ra rằng, liệu kỷ luật ngân sách có hiệu quả không khi mà chi thường xuyên và chi trả nợ tăng cao, chi cho đầu tư phát triển còn hạn chế?

Theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay trong ngân sách không có cho chi đầu tư phát triển. Điều này vi phạm “nguyên tắc vàng” trong đầu tư phát triển.

Ông Cung cho rằng, ngoài nguyên nhân do sức ép thông qua quyết toán và dự án đầu tư công tràn lan, còn có một nguyên nhân sâu xa khác là chưa quyết liệt trong tiết kiệm chi NSNN và đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có kế hoạch trả nợ cụ thể và chưa quan tâm đến việc giảm “chèn lấn” đối với khu vực tư nhân.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, thực tế ngân sách Nhà nước hiện nay là 255.750 tỷ đồng.

Trong đó, cân đối cho ngân sách địa phương là 131.500 (chiếm hơn 52%). Ngân sách trung ương là 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì con số còn lại khoảng 45.000 tỷ đồng.

“Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để chi tiêu” – Bộ trưởng Vinh lo ngại.

Nêu quan điểm về tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ngân sách không còn tiền để đầu tư là một điều rất nguy hiểm.

“Bội chi ngân sách, nợ công chưa có xu hướng giảm, mà còn tiếp tục tăng lên. Mặc dù con số nợ công theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) và Bộ Tài chính có sự chênh lệch. Bộ Tài chính đưa ra con số là 61,3%; trong khi WB cho biết nợ công của Việt Nam đã lên đến 64%. Song có một thực tế vẫn phải thừa nhận là mức độ nợ công của Việt Nam đang tăng cao và gần chạm giới hạn” – bà Lan cho biết.

Theo vị chuyên gia này, mấy năm nay chúng ta đã chứng kiến tình cảnh bội chi ngân sách lớn. Chi thường xuyên chiếm khoảng 71-72%; chi trả nợ chiếm 25-26% thì làm gì còn tiền cho chi đầu tư phát triển nữa.

Trước đây, Việt Nam giải quyết bằng phát hành trái phiếu. Nhưng hiện nay, việc phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn do niềm tin của các ngân hàng và nhà đầu tư không còn như trước. Đây cũng là vấn đề căn cơ của nền kinh tế năm nay.

“Hiện nay, ngân sách đã khó khăn đến mức "tận diệt" doanh nghiệp chứ không phải là tận thu nữa, nhiều doanh nghiệp đã đến ngưỡng không thể làm ăn nổi. Năm nay mặc dù nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng hơn, song số doanh nghiệp phá sản, giải thể lại tăng cao” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.

Bà Lan cho biết, số doanh nghiệp phá sản, giải thể trong 9 tháng đầu năm 2015 đã bằng cả năm 2011, 2012 – là những năm doanh nghiệp “chết” rất nhiều do điều kiện kinh tế thế giới và trong nước đều khó khăn.

“Trong điều kiện lạm phát thấp như hiện nay, thay vì tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng cường sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng thì Nhà nước lại đang tận thu doanh nghiệp. Tận thu như thế này thì làm sao có được tăng trưởng bền vững. Bởi nguồn thu chính của ngân sách là các doanh nghiệp không được chăm sóc và tạo điều kiện phát triển” – bà Lan nhấn mạnh.

Theo bà Lan, bên cạnh doanh nghiệp, người dân cũng bị tăng thu từ thuế, phí. Ngoài các khoản phí thiết yếu như y tế, giáo dục..., còn có rất nhiều loại phí vô lý khác đè lên vai người dân. Do vậy, bà Lan lo ngại rằng, nếu tình trạng trên cứ tiếp tục thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng kém phát triển. Và khi đó, liệu các doanh nghiệp nước ngoài có còn rót vốn đầu tư vào Việt Nam nữa hay không?

Cùng chung quan điểm với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Lê Xuân Bá – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tình trạng chi tiêu ngân sách hiện nay rất nguy hiểm.

"Thường có 10 đồng thì chi xã hội khoảng 2 đồng. Hiện nay Việt Nam đang vay đồng nào, làm ra đồng nào tiêu hết đồng đó, không để dành cho đầu tư phát triển. Ngân sách hết tiền, thế giới không ai cho vay mãi nên tình trạng này rất nguy hiểm" - Ông Bá nói.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên