MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không để người hưởng lương hưu có mức sống thấp

Lương của người về hưu có giảm?Khi nào thì giảm?là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong tuần qua, khi mà Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, có đưa ra việc thay đổi cách tính lương hưu của người tham gia BHXH.

Đây là lo ngại rất thực tế khi mà tình trạng tiền lương bình quân của người về hưu vẫn còn thấp, thậm chí chưa đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người về hưu theo tốc độ trượt giá hằng năm.

Liệu việc thay đổi lần này trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có đi ngược với ý nghĩa nhân văn của BHXH là đảm bảo an sinh xã hội hay không? Chuyên mục trò chuyện cuối tuần của chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Được biết, theo tính toán thì đến năm 2035 người hưởng lương hưu đầu tiên mới phải tính mức lương hưu theo cả quá trình tham gia BHXH. Vậy theo quan điểm của ông trước những tác động của kinh tế xã hội, việc này có tác động thế nào đến cuộc sống của người hưu trí hiện tại?

TS Bùi Sỹ Lợi:Thực chất các đối tượng đang nghỉ hưu hiện nay, đến khi Luật có hiệu lực thi hành và những người đã tham gia BHXH trước ngày 1-7-2015 (dự kiến Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành), phương pháp tính lương hưu đều tính tối đa bằng 75% của 5, 7 năm, tột khung là 10 năm cuối. 

Còn tất cả những người tham gia BHXH theo Luật mới có hiệu lực thi hành từ 1-7-2015, thì thời gian tính lương hưu sẽ tính theo hết cả quá trình tham gia đóng BHXH, tức là đến 1-7-2035 họ sẽ bắt đầu hưởng lương hưu theo cách tính của cả quá trình. 

Nói như vậy có nghĩa là Luật BHXH sửa đổi không tác động đến yếu tố tính toán tiền lương của người sẽ về hưu hiện tại và người sẽ về hưu trong tương lai cho đến trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Bản chất của tiền lương hiện nay là tính theo cơ chế đóng-hưởng, nhưng số người về hưu từ 1-1-1995 trở về trước, do lúc đó, chúng ta chưa có Luật, chưa có chính sách về BHXH một cách bài bản, việc trả lương cho những người nghỉ hưu đó hoàn toàn do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Còn những người thực hiện theo chính sách lương hưu từ sau 1995 được trả bằng Quỹ BHXH theo Luật. 

Về cơ bản khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển, chỉ số giá tiêu dùng tăng lên, cùng với việc điều chỉnh tiền lương cho khu vực SXKD và khu vực hành chính sự nghiệp của những người đang làm việc, thì chúng ta đều điều chỉnh tiền lương hưu cho những người đã về hưu trước ngày 1/1/1995 và sau 1995, chủ yếu căn cứ vào sự trượt giá để bù đắp chi phí cho người lao động. Tuy nhiên phải nói cơ bản, tiền lương của người về hưu với mức bình quân theo Bộ LĐ-TB&XH báo cáo vẫn chưa cải thiện được nhu cầu sống của người về hưu.

- Nhiều người đang đặt câu hỏi về cơ sở để giảm lương hưu trí trong khi mức sống của người làm công ăn lương, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp đang giảm do tỷ lệ lạm phát cao? Ở góc độ chuyên gia, ông thấy sao về điều này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Hiện nay Chính phủ đang trình Dự thảo Luật theo hướng là bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng. Có nghĩa là anh tham gia bao nhiêu sẽ được hưởng bấy nhiêu, đóng cao hưởng cao. Nhưng theo định hướng đảm bảo an sinh xã hội, những người lương thấp, Nhà nước có phần bảo trợ, chứ không ai khi xây dựng Luật lại nghĩ chuyện đơn thuần để người lao động phải chịu thiệt hơn. 

Rõ ràng vấn đề lương hưu của người đã về hưu và người sẽ về hưu trong tương lai đang gặp hết sức khó khăn nếu chúng ta không có được những giải pháp tích cực như: mở rộng đối tượng, tính đúng, tính đủ các khoản thu BHXH, nâng cao tính tuân thủ pháp luật để đảm bảo cân bằng Quỹ BHXH trong tương lai.

Người lao động nào cũng mong muốn có lương hưu để “dưỡng già”.

Hiện nay, tình trạng làm giả hồ sơ hưởng BHTN, lạm dụng Quỹ BHYT đang rất lớn nhưng chúng ta chưa xử lý cương quyết. Cùng với đó là việc đầu tư Quỹ BHXH chưa hiệu quả, yếu kém trong việc mở rộng đối tượng... Sao chúng ta không đặt vấn đề quản lý tốt, hiệu quả để tiết kiệm cho ngân sách, mà lại thay đổi cách tính lương hưu?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Đây là những vấn đề đặt ra khi chúng ta xem xét sửa đổi Luật BHXH. Tồn tích Quỹ hưu trí hiện tại còn cao, khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Nhưng nếu không mở rộng được đối tượng, không triệt để thu của đối tượng thuôc diện tham gia bắt buộc hoăc tận thu do nợ đọng, chậm đóng BHXH của một số doanh nghiệp, đồng thời phải xác định đúng mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thay vì hiện nay chủ yếu đóng dựa trên mức tiền lương tối thiểu, tình trạng này tiếp tục tái diễn thì dứt khoát là khả năng mất cân đối Quỹ là hiện hữu.

Ngoài ra, bảo tồn phát triển Quỹ không tốt, làm thất thoát Quỹ, hoặc chi phí cho bộ máy quá cồng kềnh, cũng ảnh hưởng đến Quỹ hưu trí, nhưng không phải là tác động quá lớn đến cân bằng Quỹ. Tuy nhiên, cũng cần tính toán tổ chức bộ máy BHXH thật tinh gọn, hiện đại hóa công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí quản lý bộ máy hành chính. 

Điều quan trọng nữa là Quỹ tồn tích BHXH, đặc biệt là Quỹ hưu trí và tử tuất phải được bảo toàn, nhưng phải có các giải pháp đầu tư làm tăng trưởng, tránh tình trạng hiện nay chúng ta mới chỉ thực hiện cho Nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ, và cho ngân hàng thương mại của Nhà nước vay. 

Lãi suất tăng lên không cao hơn chỉ số trượt giá. Cho nên, chúng ta phải có các giải pháp tích cực đồng bộ, làm Quỹ này bảo toàn phát triển, giữ Quỹ cho người lao động khi nghỉ hưu. Ví dụ vừa rồi thí điểm cho Thủy điện Lai Châu vay 1.600 tỷ đồng chắc chắn là lãi suất cao hơn cho ngân hàng thương mại vay vì đó là đầu tư có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật Quỹ Hưu trí tử tuất được Nhà nước bảo hộ, có nghĩa là Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo để không bị vỡ Quỹ, không may bị mất giá trị, thì Nhà nước phải bảo hộ cho người lao động khi về hưu.

- Trong trường hợp người về hưu có mức lương hưu thấp hơn so với nhu cầu sống tối thiểu, sẽ được hỗ trợ gì?

Định hướng của Nhà nước là phải xây dựng được sàn an sinh xã hội để bảo đảm đời sống tối thiểu cho người dân. Vì vậy, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội rất mong muốn trong định hướng lâu dài, Chính phủ phải xây dựng được Sàn lương hưu tối thiểu, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người về hưu có mức lương thấp hơn.

 Tuyên ngôn của BHXH kể cả những người tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc hoặc những người khó khăn được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc khi về hưu đều được Nhà nước xem xét để đảm bảo mức lương tối thiểu theo Sàn lương hưu tối thiểu, có như thế mới mở rộng được đối tượng. Định hướng sửa đổi Luật BHXH để làm gì?

 Một là, để mở rộng đối tượng, hạn chế người hưởng lương hưu một lần, tăng thêm khả năng đảm bảo ASXH. Hai là, để hạn chế những người đến 80 tuổi, Nhà nước phải trợ cấp bằng lương xã hội 180 nghìn đồng/tháng như hiện nay. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng, để ai tham gia cũng được hưởng như mức đóng của mình và có sự bảo trợ của Nhà nước. Hiện chỉ còn Sàn An sinh xã hội chưa làm được.

- Nếu theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng, thì rõ ràng phải có quy định mức đóng để người lao động về hưu không phải chấp nhận mức lương hưu thấp?

Ông Bùi Sỹ Lợi:Hiện nay vấn đề lớn nhất của Luật BHXH là xác định được mức tiền lương để đóng BHXH. Thực trạng đang diễn ra, người lao động trong các cơ sở SXKD và chủ SDLĐ đang đóng mức 22% trên mức tiền lương tối thiểu, không căn cứ hoàn toàn vào thu nhập ghi trên hợp đồng lao động.

Chính phủ đang trình Luật, với lộ trình đến năm 2017 vẫn cho phép thực hiện như hiện nay, nhưng từ năm 2018 mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH phải tuân thủ Điều 90 Bộ luật Lao động tức là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, ghi trên hợp đồng lao động, có như vậy tiền lương của người nghỉ hưu sau này mới được cải thiện cao hơn.

Nếu áp dụng ngay ở thời điểm hiện tại sẽ gây khó khăn cho người lao động và quan trọng là chủ sử dụng lao động liên quan đến giá thành, nhất là các DN sử dụng nhiều lao động phổ thông. Nhưng đây là xu hướng tất yếu, không có con đường nào khác. Thế nên cần phải có lộ trình, kéo dài thêm một vài năm, tránh tình trạng DN khó khăn trong sản xuất, lại đẩy người lao động ra khỏi dây chuyền sản xuất, lúc đó người lao động sẽ không có việc làm và tiền để đóng BHXH cũng không có.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo Thu Uyên

cucpth

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên