MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không quản được thì cấm cho nhanh?

Dự thảo Nghị định về việc sản xuất và kinh doanh bia vừa được Bộ Công Thương công bố đã bị cho rằng bất khả thi trong khi đó phía doanh nghiệp cho biết sẽ bị thiệt hại lớn nếu dự thảo được thông qua.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát đã có một cuộc trò chuyện ngắn nói lên những bức xúc của các doanh nghiệp bia hiện tại.

PV: Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo Nghị định sản xuất và kinh doanh bia. Trong dự thảo có một số điểm mới như: cấm bán bia cho phụ nữ có thai và cho con bú, cấm bán cho trẻ em dưới 18 tuổi, nghiêm cấm bán bia vỉa hè hoặc qua các điểm bán hàng tự động, bắt buộc dán nhãn sản phẩm… Quan điểm của Hiệp hội về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Việt: Rất nhiều điểm trong dự thảo chúng tôi lấy làm lạ. Chẳng hạn như việc cấm bán bia vỉa hè tính khả thi rất thấp bởi người Việt Nam mình có sở thích la cà quán xá, những lúc nắng muốn uống cốc bia cho mát thì táp ngay vào quán vỉa hè giờ mỗi lần uống bia phải vào các cửa hàng, nhà hàng sang thì tâm lý bớt đi một phần thoải mái cũng như lo ngại bị “chém” về giá. Hơn nữa đơn vị nào sẽ đứng ra quản lý việc bán hàng này, lấy quy định nào ra xử phạt, luật nào nói họ phạm tội, làm sao để có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc để xử phạt?

Dự thảo của Bộ Công Thương vẫn còn nhiều điều mơ hồ. Cụ thể, quy định không bán bia cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, người có biểu hiện say… giống như đánh đố đơn vị kinh doanh. Tôi lấy ví dụ người phụ nữ mới có thai, mới thụ thai việc nhận biết được là không thể.

Tôi không hiểu vì sao các nhà quản lý Việt Nam lại cho rằng việc hạn chế điểm bán sẽ giảm bớt tác hại xấu từ bia trong khi đây là một biện pháp rất tốn kém và ngược đời, đi ngược lại với xu thế của thế giới. Còn quy định cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi tôi hoàn toàn đồng ý.

PV: Ông vừa nói đến việc đi ngược lại xu hướng của thế giới?

Ông Nguyễn Văn Việt: Đúng vậy, tôi đã từng đi nhiều nước trên thế giới ở nước ngoài việc uống bia vỉa hè là chuyện bình thường nếu không muốn nói là rất văn minh.

Các nước Đức, Ý, Tiệp Khắc…là những nước tiêu thụ bia nhiều bậc nhất thế giới. Ở đó, các quán bia ở lề đường, vỉa hè rất nhiều và cũng đông đảo người dân ủng hộ. Tất nhiên việc quản lý đô thị là văn minh và cần thiết nhưng chúng ta không thể cứ cái gì không quản được là cấm cho nhanh. Việc cần làm là phải làm sao nâng cao ý thức tự giác của người dân, để họ hiểu được tác hại của bia rượu khi uống quá liều. Từ đó, điều chỉnh việc uống như thế nào là vừa đủ, tốt cho sức khỏe. Có rất nhiều nghiên cứu về bia của các nhà khoa học thế giới đã chứng minh việc uống bia ở một lượng vừa đủ rất tốt cho sức khỏe.

Ông Phan Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát cho biết doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn nếu dự thảo được thông qua

PV: Dự thảo Nghị định kinh doanh và sản xuất bia rượu có quy định rõ về việc dán nhãn bên ngoài vỏ bia. Theo ông, việc này có ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp sản xuất bia hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Việt: Năm 2013 Việt Nam có 400 nhà máy bia, tổng lượng tiêu thụ 3 tỷ lít bia, doanh thu 3 tỷ USD. Nhiều thống kê cho thấy Việt Nam chỉ đứng thứ 3 ở Châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản về lượng tiêu thụ bia tuy nhiên theo Hiệp hội thống kê thì Việt Nam đứng thứ 5 chứ không phải thứ 3 và so với Tiệp Khắc, Đức…lượng tiêu thụ vẫn ở mức thấp hơn nhiều.

Có thể nói Việt Nam có một ngành bia phát triển trong thời gian qua nếu dự thảo mới này được áp dụng thì ngành bia sẽ bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng, số lượng tiêu thụ chắc chắn giảm. Việc dán nhãn tem lên bia lon rất thừa thãi bởi trên vỏ chai đã in đầy đủ thành phần, cấu tạo sản phẩm.

Đối với bia chai nếu như bắt buộc phải dán nhãn tem thì sẽ gây lãng phí lớn trong công tác làm sạch sau khi thu hồi vỏ chai để sử dụng lại, chi phí làm tem rồi mất thêm một công đoạn dán nhãn. Theo tính toán sơ bộ, doanh nghiệp bia sẽ phải mất thêm từ 300 đến 500 đồng/chai bia khi quy định dán nhãn tem được áp dụng, như vậy giá bán bia chắc chắn sẽ tăng cao, thiệt hại nói chung có thể lên tới hàng chục tỉ đồng.

Hơn nữa, việc dán nhãn tem cho sản phẩm bia tôi thấy không cần thiết, bởi việc chống hàng giả, hàng lậu đã có các cơ quan chức năng lo không thể bắt doanh nghiệp chạy theo bọn tội phạm buôn lậu được.

PV: Trong thời hạn 60 ngày Bộ Công Thương tiếp thu, lắng nghe ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định phía Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất đã có chương trình nào cụ thể?

Ông Nguyễn Văn Việt: Ngay sau khi bản dự thảo được công bố, phía Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát và nhiều doanh nghiệp đã thảo luận để thống nhất ý kiến. Một số doanh nghiệp đã gửi văn bản, quan điểm lên Bộ Công Thương đề nghị xem xét kĩ. Về phía Hiệp hội thì chúng tôi đang hệ thống toàn bộ các ý kiến của doanh nghiệp để gửi đến cơ quan nhà nước sớm nhất với quan điểm đóng góp ý kiến làm sao để Nghị định ra đời phải đi vào cuộc sống thực tế, đảm bảo quyền lợi cho người dân, sức khỏe mà vẫn tạo ra đất sống cho doanh nghiệp.

Xin cám ơn ông!


>>>Bán bia theo cách của... người Việt

Hướng Dương




bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên