MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng Hy Lạp đã ảnh hưởng đến Việt Nam?

Một thương gia Hy Lạp cho biết, việc đóng băng hoạt động tại các ngân hàng đã khiến ông không thể thanh toán tiền cho lô hàng hạt tiêu đen nhập khẩu từ đối tác Việt Nam...

Theo tin từ tờ New York Times của Mỹ, ngày hôm nay Hy Lạp sẽ đến hạn chót phải đạt được hoặc là một thỏa thuận cứu trợ tài chính hoặc là ra khỏi khu vực Eurozone, một điều chắc chắn khiến nền kinh tế nước này rơi vào bờ vực của sự sụp đổ.

Những ngày tháng đen tối

Các doanh nghiệp và các tổ chức nhân đạo cảnh báo rằng những thiệt hại xã hội và thương mại hiện nay rõ ràng có thể lớn hơn và kéo dài lâu hơn nếu Hy Lạp và các chủ nợ không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng về gói cứu trợ mới. Trong khi đó, các ngân hàng của Hy Lạp vẫn đóng cửa, quốc khố gần cạn kiệt.

Mặc dù Thủ tướng Alexis Tsipras đã nhượng bộ, mở ra cơ hội thỏa thuận với các chủ nợ, Hy Lạp đang ngày càng bị cách ly khỏi nền kinh tế toàn cầu. Đây là một vấn đề lớn đối với quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng 65% nhu cầu hàng hóa này.

Các container chở thực phẩm, thuốc men và hàng hóa thiết yếu hàng ngày khác đang chất đống tại cảng Piraeus – cảng quốc tế gần thủ đô Athens. Việc kiểm soát dòng vốn khiến các nhà nhập khẩu của Hy Lạp không thể thanh toán tiền cho đối tác để nhận hàng.

“Chúng tôi không biết phải làm gì để chuẩn bị cho những tình huống như thế này. Chúng tôi có cảm giác như bị bắt cóc. Chúng tôi không thể rút tiền khỏi ngân hàng và lo sợ sẽ mất tất cả” - ông Nikos Manisoitis, người điều hành Nikos Manisoitis & Son, một công ty gia đình chuyên nhập khẩu các loại gia vị và hàng khô được thành lập cách đây 95 năm cho biết.

Ông Manisoitis đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội thương nhân Piraeus. Ông cho biết, nhiều nhà nhập khẩu tại cảng Piraeus đã phải chi từ 60.000 – 66.000 euros bằng tiền mặt cho mỗi chuyến bay đến Anh, Đức hoặc các quốc gia châu Âu khác chỉ để… trả nợ cho nhà cung cấp.

Theo ông Manisoitis, đây là điều bắt buộc. Bởi Chính phủ Hy Lạp đã kiểm soát chặt dòng vốn kể từ ngày 28/6, các hình thức thanh toán điện tử đều bị cấm.

“Chúng tôi như đang quay lại thời điểm cách đây 60 năm, những ngày tháng đen tối sau chiến tranh thế giới thứ II và nội chiến Hy Lạp” - ông Manisoitis nói.

Dù nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2% khối kinh tế Eurozone, việc nước này phải ra khỏi Eurozone có thể gây ra những ảnh hưởng không thể lường trước, đặc biệt nếu điều này xảy ra cùng lúc với sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Trong khi đó, 5 năm khủng hoảng đã khiến nền kinh tế Hy Lạp “rã rời”. Tầng lớp trung lưu của nước này rơi vào cảnh túng bấn, hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa. Các công ty Hy Lạp hoang mang không biết làm thế nào để chuẩn bị cho tình huống Chính phủ hoạt động bằng cách viết giấy ghi nợ hoặc nước này phải quay lại sử dụng đồng tiền của riêng mình.

“Cơn ác mộng” đó có thể ập đến vào ngày thứ 2 tuần tới nếu Athens không đạt được thỏa thuận với chủ nợ vào cuối tuần này và ECB cắt nguồn hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp vốn đã giúp các ngân hàng Hy Lạp duy trì được hoạt động trong những tháng gần đây.

Tuần này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer nói ECB sẽ phải dừng bơm thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp trừ phi Athens đạt được thỏa thuận với chủ nợ vào ngày Chủ Nhật.

Trước đó, các hiệp hội kinh doanh ở Hy Lạp cảnh báo các biện pháp kiểm soát vốn đang gây ra tình trạng “nghẹt thở kinh tế” và cảnh báo về “sự bùng nổ thất nghiệp” nếu Thủ tướng Tsipras và các nhà lãnh đạo châu Âu khác không đạt được một thỏa thuận nhằm giữ Hy Lạp trong Eurozone.

“Cộng đồng doanh nghiệp Hy Lạp hi vọng quốc gia này vẫn là một thành viên của Eurozone” – các thành viên của Liên đoàn Thương mại và Doanh nghiệp Hellenic viết trong một lá thư vào thứ Tư vừa qua.

Gần đây, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp đã vượt ngưỡng 25%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên đã vượt mức 50%. Sau 5 năm suy thoái, kinh tế Hy Lạp đã tăng trưởng trở lại vào năm ngoái. Tuy vậy, quý 1 năm nay nền kinh tế này lại rơi trở lại vòng xoáy suy giảm.

Cho dù có thỏa thuận đạt được vào phút chót, giới chuyên gia tin rằng, nền kinh tế Hy Lạp sẽ bị khủng hoảng kìm hãm ít nhất thêm một năm nữa.

Đối tác Việt Nam bị “vạ lây”?

Trước “những ngày tháng đen tối”, ông Manisoitis chia sẻ, ông đang lo cho công ty của gia đình mình. Công ty này đã vượt qua được chiến tranh thế giới thứ hai và thời kỳ độc tài quân sự, nhưng ông Manisoitis lo công ty sẽ không thể tồn tại nếu Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone.

Theo đó, trong hơn một tuần qua, lô hàng hạt tiêu đen 15 tấn mà ông Manisoitis đặt mua từ nhà cung cấp Việt Nam đã phải nằm chờ trong container chở hàng dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt tại cảng Piraues – một trong những cảng lâu đời tại Địa Trung Hải và là cửa ngõ chính của Hy Lạp.

Mặc dù công ty của ông có thừa tiền trong tài khoản ngân hàng Hy Lạp để trả số tiền 150.000 Euro cho lô hàng này, nhưng các biện pháp kiểm soát vốn khiến ông không thể thanh toán cho đối tác ở Việt Nam.

Nếu các biện pháp kiểm soát vốn được dỡ bỏ vào tuần tới, ông Manisoitis vẫn lo ngại, đến lúc đó lô hạt tiêu có thể đã hỏng. Trong trường hợp như vậy, cơ quan hải quan sẽ không cho phép ông nhận lô hàng, nhưng ông vẫn sẽ phải thanh toán tiền cho lô hàng đã hỏng này.

“Chúng tôi đang mất ngủ hàng đêm. Chúng tôi không thể nhận hàng, cũng không thể giao hàng cho khách đã đặt mua. Chúng tôi có nguy cơ còn mất thêm tiền nữa” - ông Manisoitis than thở.

Doanh nhân này hy vọng Hy Lạp sẽ không phải ra khỏi Eurozone. Nhưng nếu các bên không đạt được thỏa thuận vào Chủ nhật này, thì “tôi tin là Thủ tướng Tsipras sẽ không có được ý tưởng nào về việc sẽ phải làm gì nếu đất nước rời khỏi Eurozne” - ông Manisoitis cho biết.

Trong khi đó, ông Nikitas Kanakis, Chủ tịch Tổ chức từ thiện Doctors of the World tại Hy Lạp cho biết, Hy Lạp đang ở trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo và Hy Lạp sẽ phải chuẩn bị cho những hệ quả lớn hơn nếu đàm phán với các chủ nợ lại đổ vỡ.

“Cuộc khủng hoảng gợi nhớ cho tôi về thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, đừng lo lắng quá, sẽ có người đến giúp chúng ta. Điều này có thể hơi cay đắng bởi chúng ta thường nghe cụm từ “trợ giúp nhân đạo” dành cho các nước thứ ba, chứ không phải một thành viên của Eurozone” – ông Kanakis nói.

Nguyệt Quế

New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên