Kể từ thời điểm Chính phủ công bố gói kích cầu đầu tiên trị
giá 1 tỉ USD thông qua hỗ trợ lãi suất (HTLS) 4%, đến nay quy mô chương trình
kích cầu đã tăng nhanh, dự kiến tổng nguồn vốn cung ứng ra thị trường sẽ lên đến
9 tỉ USD (khoảng 160.000 tỉ đồng), kéo dài thời gian thực hiện ít nhất đến năm
2011 và sẽ tác động đáng kể đến mọi mặt kinh tế - xã hội.
Nhiều ý kiến lo ngại
việc cung cấp một lượng tiền lớn vào lưu thông liệu lạm phát có trở lại?
Tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn
Hiện tại, Chính phủ mới công bố cụ thể hai gói kích cầu
thông qua HTLS đối với vốn vay lưu động và vốn vay dự án đầu tư phát triển sản
xuất trị giá khoảng 2 tỉ USD. Riêng gói kích cầu cho vay vốn lưu động tính đến
hết tuần đầu tháng 4, dư nợ cho vay đạt 218.424 tỉ đồng.
Gói kích cầu cho vay
bù lãi suất vốn trung và dài hạn đang bắt đầu được triển khai, giới chuyên môn
dự báo gói này sẽ có tốc độ giải ngân nhanh hơn nhiều so với gói cho vay vốn
lưu động.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dự kiến
các gói kích cầu tiếp theo sẽ bao gồm hàng chục tỉ đồng đầu tư cho nông nghiệp,
nông thôn, phát triển mạng lưới giao thông đến cấp xã.
Chương trình cũng dành
hàng chục tỉ đồng xây nhà ở sinh viên và phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, còn
có gói kích cầu cho vay bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển... Như vậy, một nguồn
vốn khổng lồ sẽ cung ứng vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng.
Tại hội thảo mới đây của Viện Nghiên cứu và Phát triển
(IDS), một số chuyên gia nhìn nhận kích cầu thông qua HTLS là một chính sách lạ,
chưa từng được áp dụng cả ở trong và ngoài nước. Do đó, tính hiệu quả của chính
sách có thể khó dự đoán.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Thông tin ĐH Quốc
gia Hà Nội, HTLS sẽ là một công cụ can thiệp hiệu quả, nếu mục tiêu của nó là
kích thích đầu tư.
Việc HTLS giúp ngân hàng không phải hạ mặt bằng lãi suất
chung, nhưng doanh nghiệp lại tiếp cận được vốn vay rẻ, trong khi lãi suất huy
động vẫn đủ cao để thu hút được người gửi tiền, tránh tình trạng bẫy thanh khoản.
Đề phòng thời điểm cuối năm
Về nguyên tắc, bất cứ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ
nào cũng dẫn đến nguy cơ lạm phát, thâm hụt thương mại và nợ xấu gia tăng. Nhiều
chuyên gia kinh tế cảnh báo việc hạ lãi suất và cung ứng tiền ra nhiều sẽ đẩy
kinh tế vào tình trạng lạm phát mà thực tế kích cầu sau khủng hoảng kinh tế
châu Á năm 2000-2001 là một bài học cần rút kinh nghiệm.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, hiện tượng thị trường chứng khoán
tăng điểm mạnh trở lại, thị trường nhà đất ấm dần lên cũng như nhu cầu mua sắm
xe hơi bắt đầu tăng trở lại cho thấy có thể đang có một dòng vốn đang chảy mạnh
dần vào thị trường tài sản, thông qua việc mở rộng cho vay tiêu dùng.
Nếu giai đoạn hồi phục này trùng với sự ấm lên của kinh tế
thế giới, những yếu tố hỗ trợ sự giảm giá hiện nay sẽ mất đi và khuynh hướng
tăng giá có thể sẽ trở lại rất nhanh.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong,
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cũng nhận định các gói kích cầu
của nhiều quốc gia trên thế giới đang có tác dụng, làm thị trường thế giới có
nhiều khả năng khởi sắc trong tháng tới.
Giá cả thế giới cũng bắt đầu xu hướng tăng, rõ nhất là giá dầu.
Tại thị trường trong nước, nguy cơ lạm phát ít khả năng xảy ra trong 3, 4 tháng
tới nhưng có thể rõ nét hơn vào cuối năm.
Nguyên nhân do đây là thời điểm đến độ
trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng; tác động của tăng lương và giá dầu thế giới
có chu kỳ tăng lên và bắt đầu quy luật tăng giá vào mùa làm ăn cuối năm.
Theo Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, nếu chính sách kích
cầu phát huy tác dụng tốt, lạm phát cả năm chỉ khoảng 7%- 8%, đây được coi là
con số an toàn trong điều kiện hiện nay.
Theo Phương Anh
NLĐ