MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh vỉa hè, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Sau khi trừ chi phí, 100 cốc trà chanh sẽ lãi khoảng 630.000 đồng. Theo cấp số đó, với hàng nghìn cốc trà chanh mỗi ngày, chủ kinh doanh thu về không dưới 5 triệu đồng.

8.000 đồng một cốc trà chanh, 20.000 đồng bánh mỳ hai trứng và 5.000-45.000 đồng cho sản phẩm tạo hình từ bóng bay..., nhiều người có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày từ việc bán dạo hay ở vỉa hè khu vực trung tâm Hà Nội.

Tại các quán trà chanh khu vực Nhà Thờ lớn, khách ngồi kín vỉa hè, đôi lúc còn tràn xuống cả lòng đường. Đa phần họ là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Thức uống được nhiều người lựa chọn nhất là trà chanh với 8.000 đồng một cốc, có thể kèm với bim bim, hướng dương hoặc thịt bò khô, giá chỉ từ 5.000 đến 30.000 đồng.

Khu vực này đông khách và trở nên thân thuộc tới mức được gán cho cái tên "hợp tác xã trà chanh". Hợp tác xã trà chanh được hình thành từ 5 năm đổ lại đây, khi giới trẻ Hà Thành bắt đầu rộ lên mốt uống trà xanh.

Khu vực ngay sát Nhà thờ lớn này rộng chưa đầy 100 mét vuông nhưng có sức chứa cả nghìn người do khách thường ngồi ở cả vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường. Mỗi ngày, hợp tác xã trà xanh hoạt động tấp nấp từ 9 giờ sáng đến 22 giờ đêm.

Thành Nam, ngồi cùng một nhóm bạn, chia sẻ cậu cũng thường tới đây mỗi khi có thời gian. “Ở hợp tác xã trà chanh này, mọi người hầu như đều dùng thứ này nên có không khí, giá lại rẻ, ngồi ‘chém gió’ đến lúc nào cũng được, không gian rộng, có thể ngắm nhà thờ cổ kính, nghe chuông điểm, nhìn các em 9X biểu diễn xe ‘bốc đầu’ thiện nghệ... nên việc khu vực này đông khách là chuyện thường xuyên”, Nam giải thích.

Chủ một cửa hàng ở đây tiết lộ có hàng nghìn khách mỗi ngày. “Đông quá không thể đếm xuể được, chỉ biết trung bình mỗi ngày phải bán đến vài kg chanh”, anh này nói. Nhưng khi nói về doanh thu, chủ hiệu chỉ cười.

Theo tìm hiểu của VnExpress, để pha 100 cốc trà chanh, chủ tiệm cần 70.000 đồng cho nửa cân chè loại ngon, 2 kg đường hết 46.000 đồng và 3 kg chanh (khoảng 60 quả cỡ trung bình) với 54.000 đồng.

Sau khi trừ chi phí khoảng 170.000 đồng, chủ tiệm sẽ lãi khoảng 630.000 đồng cho 100 cốc trà chanh. Theo cấp số đó, với hàng nghìn cốc trà chanh mỗi ngày, chủ kinh doanh thu về không dưới 5 triệu đồng.

Cô Viễn (Hàng Bồ, Hà Nội), người có thâm niên trong nghề bán nước dạo ở phố cổ cho hay, thực chất bán ở khu vực này cũng thu nhập được vì khách vãn cảnh rất đông, nếu tạo được mối khách quen là các chủ cửa hàng trên các khu phố cổ thì tha hồ bán hàng.

Theo cô Viễn, mức sống người dân trên này cao nên giá bán ra cũng được gấp đôi những khu bình dân. Như một cốc sữa chua nếp cẩm là 20.000 đồng, cam vắt là 35.000 đồng, nước mơ: 20.000 đồng, chè thì không dưới 15.000 đồng mỗi cốc...

Trong khi đó, chi phí đầu vào cho mỗi thức uống đó khá 'mềm'. 25.000 đồng mỗi cân cam loại ngon có thể vắt được 2-3 cốc, sữa chua có giá 4.000 đồng một hộp, mỗi cân nếp cẩm giá 40.000 đồng có thể pha tới 30 cốc...

Như vậy, với mỗi thành phẩm, những người bán nước dạo như cô Viễn có thể lãi tới hơn 10.000 đồng. Nếu bán đắt khách, hàng trăm cốc mỗi ngày sẽ mang lại cho họ thu nhập không dưới một triệu đồng.

Song, theo nhiều tiểu thương, để kiếm được từng đó tiền cũng không phải dễ dàng gì. Cô Viễn mách nước, dân trên này họ sẵn sàng chi đắt hơn đôi chút nhưng phải đáng đồng tiền bát gạo.

Đồ uống, thức ăn chắc chắn phải sạch và ngon. Cam vắt thì phải đúng là cam tươi, vắt 3 quả một cốc chứ không phải ít nước cam rồi pha loãng nước lọc như những chỗ khác được. Họ uống một lần mà thấy dở rồi bảo nhau thì có bán rẻ cũng không ai mua.

Còn chủ quán trà chanh lại phân trần, khó nhất là đông khách nhưng không có mặt bằng, xe của khách để hết xuống lòng đường nên công an đến là khách ‘chạy tan tác’, nhiều người còn không kịp trả tiền. Lắm bạn ngồi mua rồi ngồi luôn trên xe uống, trật tự đến thì chạy cho nhanh.

Cũng cảnh ngộ như vậy, cô Hoa (trọ ở khu vực Tân Ấp), ngày ngày quẩy gánh bánh mỳ và trứng vịt lộn bán ở khu vực Bờ Hồ cho hay, mỗi ngày cô phải đi bộ trên dưới 30 cây số, khách gọi ở đâu thì lại tạt vào đó bán, cứ một bên thúng hàng, một bên lò than để nồi trứng vịt lộn đi vài chục vòng phố cổ mỗi ngày.

Ai ăn bánh mỳ trứng thì cô lại bắc nồi vịt lộn xuống, bắc chảo lên rán trứng. "Nhưng ngặt nỗi khu này đất chật người đông, dừng chỗ nào cũng khó. Lắm khi, vừa dừng chân đã bị chủ cửa hàng và trật tự khu vực ra đuổi”, cô Hoa than vãn.

Theo Xuân Ngọc
VnExpress

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên