MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế vĩ mô 18/9: Giảm tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước, tăng sức hút với nhà đầu tư

Hoa Kỳ ký gói hỗ trợ 1,55 triệu USD cho TP.HCM, nhiều băn khoăn về mức phí sau khi cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe … cũng là những sự kiện kinh tế vĩ mô nổi bật ngày 18/9

Bộ tài chính "cởi trói"chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc bổ sung các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất bỏ Bảng kê hóa đơn hàng hóa mua vào, bán ra đối với loại phải kê khai thuế theo tháng, quý. Bộ Tài chính đề xuất kể từ ngày 1/7/2015 trở đi, hồ sơ khai thuế đối với loại phải kê khai theo tháng, quý là tờ khai thuế tháng hoặc quý.

Bên cạnh đó, nhằm giúp doanh nghiệp tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại theo hướng bỏ quy định khống chế chi phí hoặc chỉ áp dụng đối với chi quảng cáo.

Về ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, theo quy định hiện hành đang áp dụng thuế suất 20% trong năm 2014 và 2015 đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng thường xuyên trên 300 lao động và thực hiện bao tiêu sản phẩm thu hoạch cho người lao động không thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1/1/2016, thu nhập của doanh nghiệp trên được áp dụng thuế suất 17%.

Hoa Kỳ ký gói hỗ trợ 1,55 triệu USD cho TP.HCM

Chiều 18/9, UBND TP.HCM và Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã ký Thỏa thuận tài trợ nghiên cứu khả thi “Giải pháp tích hợp hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển Trung tâm cho các tuyến Đường sắt đô thị TP.HCM”.

Dự án có tổng giá trị gần 1,55 triệu USD, trong đó USTDA sẽ tài trợ không hoàn lại 900.000 USD và Công ty Cisco Systems sẽ đóng góp 557.997 USD theo quy định của USTDA để thực hiện các hoạt động tư vấn nghiên cứu.

Theo UBND TP.HCM, nghiên cứu này hoàn thành sẽ giúp Ban Quản lý Đường sắt đô thị có được tầm nhìn dài hạn và thiết kế cho việc kết nối hệ thống thông tin tín hiệu trong hệ thống Đường sắt đô thị thành phố để đảm bảo sự kết nối, nâng cao hiệu quả kinh doanh, khả năng quản lý thông suốt cũng như kế hoạch vận hành cho toàn hệ thống Đường sắt đô thị.

Dự án này cũng mở ra hướng kết nối với hệ thống giao thông công cộng khác trên địa bàn TP.HCM, tối ưu hóa công tác quản lý, vận hành.

Băn khoăn về mức phí sau khi cao tốc Hà Nội - Lào Cai thông xe

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 245km, đi qua 5 tỉnh, thành phố và rút ngắn thời gian đi bằng ô tô từ Hà Nội lên Lào Cai khoảng 7 giờ đồng hồ. Kết quả này tạo thêm nhiều thuận lợi cho người dân, lái xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, người dân và cả các doanh nghiệp vẫn đang băn khoăn về mức thu phí từ 30.000 đồng đến 1.220.000 đồng trên cao tốc này.

Một trong những doanh nghiệp vận tải thường xuyên chở hàng tuyến Hà Nội - Lào Cai trên Quốc lộ 70 cho biết, đi trên tuyến cao tốc sẽ giúp giảm từ 11 giờ xuống còn 5 giờ (tức là 1/2 thời gian), đồng thời cũng giảm 40 km so với Quốc lộ 70. Đơn cử với loại xe 8 tấn, từ Hà Nội đi Lào Cai giảm được 5 lít xăng dầu trên 100 km đường. Tính tổng thể sẽ giảm được 30 lít cho toàn tuyến. Theo cung đường mới, mức chi phí tiết kiệm được 2,5-3 triệu đồng trên mỗi chuyến hàng.

Trong buổi họp báo chiều 17/9 để chuẩn bị cho việc thông xe toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đại diện Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam giải thích, mức phí từ 300.000 đồng đến 1.220.000 đồng cho toàn tuyến được xây dựng dựa trên quy định của Bộ Tài chính là 1.000 đồng/km đối với đoạn hai làn xe và 1.500 đồng trên/km đối với đoạn 4 làn xe.

Giảm tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước, tăng sức hút với nhà đầu tư

Theo mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN tới hết năm 2015 mà Chính phủ đề ra, việc chuyển đổi mô hình hoạt động cũng tạo thêm sức ép đối với lãnh đạo doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu.

Việc điều chỉnh tỷ lệ vốn sở hữu của nhà nước từ 75% xuống còn 49% theo đề án tái cơ cấu Cảng Quy Nhơn của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines đã tạo ra sức hút mới với các nhà đầu tư. 25% vốn nhà nước đã được bán thành công. Vinalines sẽ thoái tiếp 26% vốn Nhà nước trong thời gian tới.

Theo ông Lê Anh Sơn - TGĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ngay sau khi Tổng công ty có chủ trương giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 75% xuống còn 49% tại các cảng biển lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã rất quan tâm. Động thái này có nghĩa họ cảm thấy tin tưởng hơn về tính minh bạch của doanh nghiệp.

Điều này đã khiến cho các nhà đầu tư ngoại vào cuộc. Doanh nghiệp có thêm năng lực để thực hiện 4 dự án lớn. Lãnh đạo doanh nghiệp có thêm sức ép để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Đức đầu tư 236 dự án với tổng vốn 1,34 tỷ USD vào Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 8/2014, Đức có 236 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,34 tỷ USD, xếp thứ 22 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Hầu hết các dự án của Đức tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 88 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 626,82 triệu USD, chiếm 38% về số dự án và gần 50% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước với 5 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 386,68 triệu USD …

Vốn đầu tư của Cộng hoà Liên bang Đức tập trung vào hình thức 100% vốn nước ngoài với 177 dự án với tổng vốn đầu tư 917,93 triệu USD, chiếm 75% tổng số dự án và gần 70% tổng vốn đầu tư đăng ký; hình thức liên doanh với 52 dự án có tổng vốn đầu tư 409,16 triệu USD, chiếm 23% số dự án và 33% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án còn lại đầu tư theo hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Bên cạnh đó, tính đến nay, Việt Nam có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Cộng hoà Liên bang Đức, với tổng vốn đầu tư lên đến 92 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, kinh doanh thương mại.

SBIC đang triển khai thủ tục giải thể 47 doanh nghiệp và phá sản 11 DN

Theo Báo Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2014, SBIC đã giảm đầu mối được 22 DN trong tổng số 236 DN còn lại. Như vậy, tính đến tháng 8-2014, SBIC đã TCC, giảm đầu mối được 45 DN (chưa kể 36 DN đã được thực hiện TCC, giảm đầu mối trước khi có Quyết định 1224/QĐ-TTg ngày 27-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tiếp tục TCC SBIC).

Trong tổng số 191 DN còn lại, SBIC cần tiếp tục thực hiện TCC. Thời gian qua, SBIC cũng đã tiến hành công tác rút vốn thương hiệu Vinashin theo hình thức giảm vốn điều lệ tại 60/66 DN. Bên cạnh đó, trong số 191 DN này có khoảng 20 DN Tổng công ty sở hữu dưới 20% vốn điều lệ (đây là các khoản đầu tư tài chính, không phải các đơn vị thành viên của Tổng công ty), SBIC sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để thoái vốn tại các DN này.

Về phá sản DN, đối với các DN SBIC đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ, đến nay SBIC rà soát và triển khai thủ tục phá sản 11 DN. Với các DN SBIC chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ, SBIC đã rà soát và lựa chọn thí điểm 10 DN để nộp đơn phá sản. Theo kế hoạch, SBIC sẽ thực hiện giải thể 50 DN, hiện nay đang tập trung triển khai các thủ tục để thực hiện giải thể tại 12 công ty TNHH MTV; 5 đơn vị sự nghiệp là các trường nghề và 20 công ty cổ phần.

Hường Trịnh (tổng hợp)

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên