MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam đã đến…đáy?

TS. Quách Mạnh Hào cho rằng Việt Nam đang trải qua giai đoạn tạm gọi là "vùng đáy" sau khi đã "đổ đèo" trong 3 năm qua và giai đoạn vùng đáy sẽ này kéo dài 2 đến 3 năm.

Khi một năm kết thúc, mọi người lại có dịp nhìn lại thành quả của 365 ngày qua. Đối với những người đã trải qua một năm khó khăn như 2013 thì câu hỏi lớn nhất đặt ra là “Nền kinh tế Việt Nam đã đến…đáy chưa?”

Trong buổi tọa đàm do Diễn đàn đầu tư tổ chức sáng 11/12, TS. Quách Mạnh Hào cho rằng Việt Nam đang trải qua giai đoạn tạm gọi là "vùng đáy" sau khi đã "đổ đèo" trong 3 năm qua và giai đoạn vùng đáy sẽ này kéo dài 2 đến 3 năm.

Theo đó, chuyên gia nhận định nền kinh tế chỉ có thể tốt lên thực sự vào năm 2015- 2016, nhưng điều kiện tiên quyết là phải giải quyết được các vấn đề liên quan đến nợ xấu và hệ thống ngân hàng.

Có chung quan điểm này, TS. Võ Trí Thành phát biểu: “Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 (5,3-5,4%) và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2 năm tới (khoảng 5,5% năm 2014 và 5,7-5,8% năm 2015), thì thời điểm năm nay có thể coi là đáy. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp này, sự phục hồi ở các lĩnh vực khác nhau cũng khác nhau.”

Theo ông, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay so với giai đoạn khi vừa gia nhập WTO hoặc trước khủng hoảng vẫn còn thấp hơn khá nhiều. Theo nghĩa đó, kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng, đòi hỏi phải 3-4 năm nữa.

Lạc quan hơn, theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý 3/2013 và khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014.

Nhận định này được căn cứ trên số liệu về chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số quản lý mua hàng PMI và đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh từ đó cho đến nay.

GS.TS Đặng Hùng Võ cũng có một cái nhìn lạc quan vào tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước. Ông cho rằng điều kiện kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, những cơ hội cho Việt Nam tham gia TPP, việc tái cấu trúc khu vực ngân hàng và thị trường tiền tệ là những điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam sớm tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, theo Giáo sư, việc chúng ta đang trông đợi là sức nóng của nền kinh tế sắp tới, mà sức nóng này lại phụ thuộc rất nhiều vào việc cải tổ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, tiến trình đàm phán TPP hiện nay cũng đang có dấu hiệu bị chậm lại, cũng là điều chưa thật thuận lợi cho Việt Nam.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn có chung hy vọng là “mọi việc sẽ tốt đẹp.”

Mỹ Chi

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên