Kinh tế Việt Nam đã thay đổi như thế nào khi gia nhập WTO?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO tăng 5,94% (2007 – 2014), thấp hơn giai đoạn 2001-2006 trước đó khi đạt mức 7,27%.
- 29-11-2013Nhìn lại Việt Nam sau 6 năm gia nhập WTO
- 04-04-2013Kinh tế giảm tốc sau 5 năm gia nhập WTO
- 13-03-2012Tái cơ cấu nền kinh tế: Đã là chậm sau 5 năm gia nhập WTO
Thông tin trên được đưa ra tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) sáng ngày 18/9.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc trở thành thành viên WTO giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao năm 2007.
Tuy nhiên, ngay sau đó do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đã dẫn đến sụt giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008-2011. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2007-2014 (5,94%) thấp hơn giai đoạn 2001-2006 (7,27%).
Tăng trưởng kinh tế thấp hơn giai đoạn trước
Giai đoạn 2007 – 2014, khu vực nông, lâm, thủy sản đóng góp bình quân 11% vào tăng trưởng GDP. Hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GDP lần lượt là 40% và 49%, thể hiện tác động tích cực của dòng vốn FDI và mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ.
Đáng lưu ý, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO, trong khi các mặt hàng lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, chế biến đồ gỗ và thủy sản có lợi thế cao, có khả năng cạnh tranh và có cơ hội mở rộng thị trường.
Ngành hàng rau quả và sản xuất muối, chăn nuôi, mía đường, bông được nhận định là ít có lợi thế, khả năng cạnh tranh yếu và bị tác động mạnh.
Các ngành sản xuất công nghiệp chế biến phục vụ thị trường trong nước thì chịu sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu do cắt giảm thuế theo lộ trình. Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp gặp khó do nhu cầu nhập khẩu suy giảm mạnh và xu hướng bảo hộ gia tăng.
Đối với các ngành dịch vụ, hàng không, vận tải đường sắt... chịu sức ép cạnh tranh ít do độ mở tương đối thấp; ngành giáo dục-đào tạo, du lịch chịu sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước; nhóm ngành dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, phân phối chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Bùng nổ dòng vốn FDI
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp 21,7% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014, cao hơn so với trước năm 2007 (năm 2005: 14,9%; năm 2006: 16,2%).
Đặc biệt giai đoạn 2007-2009 là giai đoạn bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài; sau đó giảm từ năm 2009 đến năm 2011; tăng từ năm 2012 và năm 2014 ở mức 21,9 tỷ USD.
Đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng mạnh từ năm 2007 nhờ giá trị xuất khẩu của khu vực này tăng mạnh; năm 2014, xuất khẩu đạt 93,96 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu là 9,74 tỷ USD và tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp.
Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá, chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cần quan tâm khi các DN chủ yếu là gia công chế biến. Tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Ngoài ra, hoạt động chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại đang diễn ra trong một số doanh nghiệp FDI.
DN đầu tư ra nước ngoài còn tự phát
Hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được mở rộng sang các nước Angieri, Malaysia, Myanmar, Hoa Kỳ… bên cạnh thị trường truyền thống. DN tập trung đầu tư vào các ngành thế mạnh, như khai khoáng; nông, lâm, ngư nghiệp, viễn thông.
Năm 2014, số dự án của nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp tư nhân chiếm 88,5% tổng số dự án. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn mang tính tự phát của các nhà đầu tư; một số dự án đầu tư không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn; gặp khó khăn về tiến độ và nguồn lực.
Thu nội địa tăng mạnh
Cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu nội địa bình quân giai đoạn 2001-2006 là 52% và tăng nhanh sau khi gia nhập WTO, năm 2011 là 75,4% và năm 2014 là 67%.
Mức vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2014 đạt 1.121 nghìn tỷ đồng, gấp 2,27 lần so với mức của năm 2007. Mức vốn hóa bình quân năm giai đoạn 2007-2014 là 994 nghìn tỷ đồng, gấp 4,19 lần so với mức bình quân năm giai đoạn 2001-2006.
Đã có 16.734 nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường chứng khoán
Việc gia nhập WTO tạo cơ hội cho việc phát triển nhiều sản phẩm mới và thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài bình quân giai đoạn 2007-2014 tăng 8 lần so với giai đoạn 2001-2006; đến nay có 16.734 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán, gấp đôi năm 2007.
Đối với thị trường tiền tệ, Việt Nam đã từng bước áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel, tỷ lệ đủ vốn tối thiểu CAR năm 2012 của cả hệ thống đạt 13,7% cao hơn quy định (9%).
Quan ngại về chất lượng tín dụng và nợ xấu ngân hàng
Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2007 đến nay cho thấy sự quan ngại về chất lượng tín dụng khi nợ xấu ngân hàng tăng, giảm qua các năm: năm 2007: 1,5%, năm 2008: 2,17%, năm 2009: 2,05%, năm 2010: 2,16%, năm 2011: 3,07%, năm 2012: 4,08%, năm 2013: 3,61%, năm 2014: 3,25%.
Với thị trường bảo hiểm, đã có 26 DN bảo hiểm có vốn FDI và nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Tuy nhiên, quy mô thị trường bảo hiểm còn nhỏ so với các nước trong khu vực, bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển mới dừng ở mức thí điểm.
Gia tăng bong bóng bất động sản
Thị trường bất động sản cũng có bước phát triển quan trọng khi từ năm 2007 đến nay, các tổ chức dịch vụ hỗ trợ thị trường bất động sản được hình thành và từng bước hoàn thiện, chuyên nghiệp góp phần minh bạch hóa các giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, chính sách đất đai trước năm 2013 đã làm gia tăng tình trạng bong bóng bất động sản. Việc mở rộng quyền của nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản từ năm 2009, đặc biệt từ ngày 01/7/2015, tạo cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, tác động tăng tổng cầu về bất động sản.