MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng

TS Lưu Bích Hồ cho rằng, khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7% thì kinh tế Việt Nam mới thực sự thoát khỏi vùng trũng.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu sáng nay 28/9, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết: “Có rất nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam đã thoát đáy, tức là đáy hình chữ V thì kinh tế đang đi lên nhưng theo tôi kinh tế Việt Nam đang trong vùng mấp mô, chưa thể thoát khỏi vùng trũng này”.

Theo đó, ông Hồ nhận định, với GDP chỉ loanh quanh ở mức 4-5%, sức chịu đựng của nền kinh tế rất mong manh, chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu như có một cú sốc nào đó tác động chắc chắn sẽ dẫn đến sụp đổ hệ thống, thành quả tái cơ cấu có thể về lại số 0.

Theo ông Hồ, khi tốc độ tăng trưởng GDP trên 7% thì kinh tế Việt Nam mới thực sự thoát khỏi vùng trũng, chuyển đổi từ phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, đầu tư cho khoa học-công nghệ.

Tuy nhiên, ông Hồ cho biết việc tái cơ cấu kinh tế không thể nóng vội được bởi không có nước nào tái cơ cấu mà làm nhanh. Ông Hồ lấy ví dụ, Mỹ và Pháp thoát khủng khoảng mất 5 năm, Nhật Bản 20 năm, Trung Quốc nói mất 5-7 năm.

Theo ông Hồ, tái cơ cấu phải giải quyết nhiều vấn đề. Muốn tái cơ cấu phải có nguồn lực, không có nguồn lực không thể tái cơ cấu, nguồn lực phải được sử dụng đầy đủ. Ví dụ, cổ phần hóa lấy vốn về chi viện cho tái cơ cấu, huy động thêm trong dân, tìm mọi cách, cuối cùng không được thì phải bỏ tiền túi ra. Nguồn lực phải có cơ chế, quản lý thật tốt.

Điểm thứ 2, vấn đề tái cơ cấu, phải gắn tái cơ cấu với không phải mô hình tăng trưởng mà phải gắn với mô hình phát triển theo chiều sâu. “Tôi đã viết chi tiết 10 trang gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội tham khảo”, ông Hồ nói.

Cuối cùng, ông Hồ cho hay tái cơ cấu kinh tế nền kinh tế Việt Nam là một quá trình dài cần có sự chuẩn bị về mọi mặt để thực hiện cho tốt mực tiêu, chứ bức xúc cũng không thể giải quyết vấn đề.


Hướng Dương

hangnt

Tài chính Plus

Trở lên trên