MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế VN đang phục hồi nhưng chưa thoát khỏi vùng đáy của tăng trưởng

Đó là nhận xét của PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam khi trình bày báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 khai mạc sáng nay.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
83 bài viết

Đến hẹn lại lên, Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 với chủ đề “Cải  thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động” đã chính thức khai mạc sáng nay (21/4).

Cải thiện môi trường kinh doanh: Không thể nói chung chung được nữa!

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chia sẻ, trong không khí cả nước hướng về sinh nhật lần thứ 125 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban kinh tế Quốc hội lựa chọn Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An để tổ chức diễn đàn kinh tế năm nay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây là lần thứ 7 diễn đàn được tổ chức và mỗi lần tổ chức đều đặt ra mục tiêu nhất định. Trong đó, mục tiêu bao trùm của năm 2015 là phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014, phát triển các lĩnh vực giáo dục, văn hóa xã hội; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập.

Tình hình kinh tế - xã hội quý I đạt kết quả tích cực trên hầu hết các chỉ tiêu; GDP tăng 6,03% là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, sức cạnh tranh phải được đánh giá về năng suất lao động và khoa học công nghệ; tái cơ cấu ngành cần tập trung cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao nhu cầu thị trường, tránh nỗi lo “được mùa mất giá”.

Về vấn đề nợ công, nợ xấu và huy động vốn ODA, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, vấn đề nợ công bàn rất nhiều về ngưỡng và trần, mức trần theo dự báo xấp xỉ đạt chỉ tiêu Quốc hội trong khi ngưỡng trả nợ đã vượt một chút.

Để giảm thiểu nợ công do chi cho đầu tư phát triển, nhà nước tăng thu bằng cách thu phí, lệ phí. Nhưng nếu chỗ nào cũng thu phí thì làm sao người dân chịu nổi?

Trong khi đó, ODA là nguồn lực bên ngoài và là nguồn lực có điều kiện, Việt Nam chủ yếu đang nhận ODA từ nhóm nước G7. Gần đây, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng được xem là một phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tại các nước đang phát triển.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Thủ tướng báo cáo và công bố số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam năm 2013 xếp thứ 70/148 nền kinh tế, trong đó thị trường tài chính thứ 93, thể chế 98, hạ tầng xếp thứ 82…

Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cải thiện môi trường đầu tư không thể bàn chung chung được nữa, mà phải có hành động cụ thể. Trong đó, những vấn đề chủ yếu đặt ra là nâng hạng mục tiêu xếp hạng của Việt Nam, cắt giảm thời gian tiếp cận, thay làm thủ công bằng công nghệ hiện đại; tái cơ cấu các lĩnh vực đầu tư công; nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan…

Kinh tế VN đang phục hồi nhưng chưa thoát khỏi vùng đáy của tăng trưởng

Như thường lệ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên luôn là người đăng đàn đầu tiên với bài trình bày tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội.

Ông Thiên chia sẻ, tăng trưởng quý I của Việt Nam khiến nhiều Bộ trưởng “bàng hoàng”, với những con số gây choáng. Nhìn toàn bộ, có thể nhận định bức tranh kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo hướng lạc quan tổng thể. Tuy nhiên, xét về chất lượng của sự phục hồi còn nhiều điều đáng quan ngại.

“Người Việt Nam có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Tăng trưởng của Việt Nam cũng đang theo xu hướng này khi khoảng cách tăng trưởng giữa quý I và quý IV rất xa, nhịp nghỉ khá lớn” – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định.

Tăng trưởng kinh tế nhìn dài hạn, cho đến nay, Việt Nam đang phục hồi nhưng chưa thoát khỏi vùng đáy của tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam đã từng rơi xuống đáy hố nhưng đang vực dậy. Tăng trưởng GDP theo ngành, số việc làm, lạm phát giảm, kiềm chế lạm phát tích cực.

Việc dự trữ ngoại tệ lớn trong bối cảnh hiện nay đáng khen ngợi, dòng kiều hối đổ vào Việt Nam tăng lên. Niềm tin của người Việt Nam vào nền kinh tế được phục hồi, tỷ lệ nợ xấu suy giảm.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, về chất lượng phục hồi tăng trưởng vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại. Phục hồi diễn ra trong xu hướng mất cân đối, thiên lệch về ngoại lực.

Khu vực FDI đang quyết định khả năng phục hồi của nền kinh tế, đã làm thay đổi sâu sắc cơ chế phát triển. Theo ông Thiên, có thể số lượng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam không nhiều nhưng cơ chế làm thay đổi sâu sắc. Họ đưa những gì vào, những cái họ đưa vào có làm thay đổi bộ mặt kinh tế của Việt Nam hay không?

"Xét ở trạng thái tĩnh, họ chỉ đưa vào lắp ráp gia công tại Việt Nam. Đấy là cơ sở để chuyển biến công nghệ. Nhưng để có xu hướng đó thì phải làm gì. Việt Nam đã kéo thế giới vào rồi nhưng vẫn chưa hội nhập được. Samsung tuyển cả 100 doanh nghiệp chỉ tìm được 3,4 doanh nghiệp tàm tạm để làm công nghiệp hỗ trợ. Đây là một nỗi lo lớn" - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

>>>Đã đến lúc chấm dứt thời kỳ “tăng trưởng nhanh, khủng hoảng lớn”?

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên