MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KTNN: Thống kê nợ công năm 2013 chưa đầy đủ

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cho thấy Bộ Tài chính thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ; còn báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay, dẫn đến số liệu nợ công đến 31/12/2013 giảm 25,28 tỷ đồng so với số báo cáo tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2013 (tổng hợp thiếu 26,13 tỷ đồng, thừa 51,41 tỷ đồng).

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tổng dư nợ công đến 31/12/2013 theo Luật quản lý nợ công là 1.954.261 tỷ đồng, bằng 54,5% GDP, bao gồm: Nợ Chính phủ 1.528.131 tỷ đồng (nợ nước ngoài 763.198 tỷ đồng, nợ trong nước 764.933 tỷ đồng), chiếm 78,2%; nợ được Chính phủ bảo lãnh 396.114 tỷ đồng, chiếm 20,3%; nợ chính quyền địa phương 30.016 tỷ đồng, chiếm 1,5%.

Dư nợ nước ngoài của quốc gia đến 31/12/2013 là 1.336.194 tỷ đồng.

Số dư nợ công năm 2013 tăng 18,6% (1.954.261/1.647.124 tỷ đồng) so với năm 2012, trong đó tỷ trọng các khoản nợ trong cơ cấu nợ của Chính phủ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng nợ vay trong nước, giảm tỷ trọng nợ vay nước ngoài.

Cụ thể, tỷ trọng nợ vay nước ngoài và vay trong nước năm 2012 là 56,85% và 43,15%; năm 2013 là 49,94% và 50,06%.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cho thấy Bộ Tài chính thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ; còn báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay, dẫn đến số liệu nợ công đến 31/12/2013 giảm 25,28 tỷ đồng so với số báo cáo tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2013 (tổng hợp thiếu 26,13 tỷ đồng, thừa 51,41 tỷ đồng).

Đến 31/12/2013, số dư nợ nước ngoài của Chính phủ tương đương 36.280 triệu USD (763.198 tỷ đồng), tăng 4,92% so với năm 2012; số rút vốn năm 2013 là 109.581 tỷ đồng, số trả nợ 38.752 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cho thấy số liệu theo dõi tại hệ thống DMFAS còn sai sót, chưa đối chiếu đầy đủ với các chủ nợ.

Đến 31/12/2013, số dư nợ vay trong nước của Chính phủ 764.933 tỷ đồng, tăng 38,56% so với năm 2012; số huy động năm 2013 là 306.455 tỷ đồng, số trả nợ 147.061 tỷ đồng.

Rủi ro mất cân bằng kỳ hạn giữa huy động và cho vay

Theo thống kê, số dư nợ nước ngoài của 81 dự án được Chính phủ bảo lãnh tương đương 8.960 triệu USD (188.486 tỷ đồng), tăng 23,89% (8.960/7.232 triệu USD) so với năm 2012.

KTNN cho rằng, việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, dự án triển khai chậm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, sau đầu tư gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; một số doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản trị chi phí, rủi ro hối đoái, dòng tiền… dẫn đến việc sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, một số dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ, Quỹ tích lũy phải ứng trả nợ thay lớn và có nguy cơ biến thành nghĩa vụ trực tiếp của NSNN.

Đến 31/12/2013, số còn phải thu về Quỹ tích lũy đối với số tiền ứng trả nợ thay cho các dự án 3.956 tỷ đồng (tương đương 188 triệu USD), bằng 2,1% tổng dư nợ được bảo lãnh Chính phủ, trong đó năm 2013 ứng trả nợ thay cho 6 dự án 992 tỷ đồng (tương đương 47 triệu USD), giảm 243,8 tỷ đồng so với năm 2012.

Tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh hầu hết các chủ dự án chỉ cam kết sẽ đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư (chưa bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu theo quy định), song chưa báo cáo đầy đủ tiến độ góp vốn chủ sở hữu trong quá trình triển khai dự án; 38/38 dự án đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng đều chưa đăng ký tài sản đảm bảo; các chủ đầu tư dự án thực hiện chế độ báo cáo không kịp thời, đầy đủ theo quy định; một số dự án nộp phí bảo lãnh chậm.

Tính đến 31/12/2013 có 36 dự án chậm nộp phí bảo lãnh, trong đó 10 dự án chậm trên 10 ngày với tổng số tiền phạt chậm trả là 0,129 tỷ đồng.

Số dư nợ được Chính phủ bảo lãnh vay trong nước 207.576,3 tỷ đồng, tăng 7,8% (207.576,3/192.471,04 tỷ đồng) so với năm 2012, gồm: Bảo lãnh phát hành trái phiếu VDB 139.160,8 tỷ đồng; phát hành trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội 29.407 tỷ đồng; bảo lãnh vay vốn cho 15 dự án của các doanh  nghiệp 34.919,5 tỷ đồng…

Trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ phát hành có kỳ hạn ngắn (chủ yếu 2 năm, 3 năm và 5 năm), trong khi không ít dự án có thời gian cho vay kéo dài từ trên 5 năm đến 12 năm, dẫn đến rủi ro mất cân bằng kỳ hạn giữa huy động và cho vay, làm tăng hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu để đảo nợ hoặc rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng do NSNN gánh chịu.

 

Khánh Nhi

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên