MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ họp Quốc hội lần này Chính phủ sẽ thông báo kết quả đàm phán TPP

Ngày mai (20/10/2015), kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII sẽ chính thức khai mạc. Dự kiến phiên họp lần này sẽ kéo dài trong vòng 40 ngày (từ ngày 20/10 đến ngày 28/11/2015).

Thông báo tại Họp báo Công bố chương trình kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trong kỳ họp lần này sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật, 4 nghị quyết và trình 8 dự án luật Quốc hội cho ý kiến.

Xem xét thông qua 18 luật

Cụ thể, các dự án luật sẽ xem xét thông qua gồm: Bộ Luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bọ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật khí tượng, thủy văn; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi); Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế;

Bốn nghị quyết sẽ xem xét thông qua: Nghị quyết về việc gia nhập công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.

Ngoài ra, 8 dự án Luật Quốc hội cho ý kiến: Luật về hội; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước Quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật tín ngưỡng tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật dược (sửa đổi).

Đổi mới về hoạt động chất vấn

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể: Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Báo cáo của Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 và dự toán ngân sách Nhà nước 2016.

Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 và chất vấn lại một số vấn đề. Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý; sử dụng đất đai tại nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp, thông tin thêm: hoạt động chất vấn tại kỳ họp 10 sẽ đổi mới so với trước đây.

Cụ thể, sẽ chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng từng lĩnh vực. Hoạt động chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, xem xét lại các cam kết của Chính phủ, người đứng đầu các bộ ngành đã thực hiện được các cam kết hay chưa? Nếu có những vấn đề chưa thực hiện như cam kết, thì sẽ chất vấn tiếp để các thành viên chính phủ thực hiện các cam kết.

“Thông qua hoạt động giám sát sẽ có quy định chặt chẽ hơn. Tức là đặt ra cho các thành viên là sau khi giám sát xong thì việc giải quyết sẽ trong bao nhiêu ngày, trách nhiệm của người phải giải quyết liên quan đến hoạt động giám sát sẽ như thế nào?” - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Cũng liên quan đến Hiệp định TPP, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết trong kỳ họp này Chính phủ sẽ báo cáo kết quả đàm phán,

Cũng theo đánh giá của Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, kỳ họp 10 là kỳ họp quan trọng, bởi sau khi ban hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013, thì việc triển khai, thể chế đưa hiến pháp vào cuộc sống rất quan trọng. Kỳ họp 8 và kỳ họp 9 đã hoàn thành 1 số nội dung, nên trong kỳ họp này sẽ tiếp tục hoàn thành để đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên