MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để kinh tế Việt Nam không lệ thuộc Trung Quốc?

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về việc Việt Nam phải tự chủ về kinh tế.

Nhiều năm qua, xuất khẩu của nước ta tăng trưởng chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nhập khẩu về nguyên, vật liệu lớn để gia công sản xuất cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài.

Nhiều đại biểu cho rằng, trong tình hình hiện nay, cần chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từng ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, các thị trường, cân đối ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm… 

Bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn về tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và người dân. Tuyên truyền vận động nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, cảnh giác với luận điệu xấu, không manh động, bị kẻ xấu lôi kéo có những hành động vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư và hình ảnh, uy tín của đất nước và nhân dân ta.

Chúng tôi ghi lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung "Làm gì để tăng nội lực của nền kinh tế Việt Nam”.

ĐB Lê Hữu Đức (đoàn Khánh Hòa): Sự việc ở Bình Dương, Hà Tĩnh thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn FDI vào nước ta. Bởi vậy, biện pháp hiện nay là phải tiếp tục trấn an, khôi phục lại lòng tin của nhà đầu tư, rà soát lại thiệt hại và thống nhất phương án khắc phục.

Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế bị hạn chế, tốc độ tăng GDP 3 năm gần đây đã chững lại, một phần nguyên nhân do NSLĐ thấp, tái cơ cấu còn chậm. Đây là vấn đề cần tập trung nghiên cứu trong dài hạn. 
Hiện DN trong nước chủ yếu XK thô, XK của Việt Nam vẫn phải phụ thuộc lớn vào DN FDI. Bởi vậy, trong điều kiện khó khăn hiện nay, phải tăng cường đẩy mạnh người Việt ưu tiên dùng hàng Việt để kích thích DN trong nước phát triển, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa): Hiện 30% hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, khó tìm được thị trường thay thế. Nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất, nếu nhập nơi khác sẽ bị đội giá lên rất nhiều. Buôn bán qua đường biên sử dụng nhân dân tệ với lượng lớn. Những căng thẳng hiện nay có thể ảnh hưởng tới thương mại song phương, bởi vậy, chúng ta phải tiến tới hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Để làm được điều này, việc đầu tiên là chúng ta phải tăng NSLĐ và tăng sức cạnh tranh. Theo tính toán, trong thời gian tới, phải tăng 50% NSLĐ, GDP phải tăng 6,5% mới đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng đến tuổi lao động. Phải đẩy nhanh tái cơ cấu, thời gian qua dù đã có chuyển biến tích cực nhưng tư duy vẫn chưa thoát ra được.

ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh): Tôi rất hoan nghênh phương án ứng phó của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thời qua để bảo vệ chủ quyền biển đảo và ổn định sản xuất, giảm thiểu thiệt hại. Việc này có thể ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư, du lịch, ngân sách. Trước mắt, phải củng cố tạo niềm tin cho nhà đầu tư; Phải tăng sự độc lập, tự chủ về kinh tế; Phải đẩy mạnh tái cơ cấu KT, tăng sức mạnh của khối DN trong nước bằng những chính sách ưu tiên hợp lý, hỗ trợ, tạo cơ chế chính sách cho DN trong nước có cơ hội cạnh tranh lành mạnh. Tạo đầu ra cho khối DN trong nước qua thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt.

Phải huy động sức dân vì nguồn lực trong dân rất lớn chưa được huy động vào sản xuất kinh doanh.

ĐB Nguyễn Xuân Tý (đoàn Bến Tre): Hiện nay phải tập trung ưu tiên phát triển KT-XH. Rất đau lòng khi thấy ngư dân không có tiền đóng tàu vươn khơi bám biển, trong khi hàng năm chúng ta tổ chức rất nhiều lễ hội vô cùng tốn kém. Phải đánh giá lại vấn đề này. Đó là sự lãng phí có tổ chức.

ĐB Nguyễn Kim Ngân (đoàn Bến Tre): Hiện nay, tình hình KT-XH đã khác do nảy sinh vấn đề Biển Đông. Trong báo cáo của Chính phủ, giải pháp phải thực tế hơn qua việc đánh giá tác động của tình hình Biển Đông tới kinh tế-xã hội.

Khó khăn hiện nay cũng là cơ hội để đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng hàng trong nước. Nhiều thứ chúng ta nhập khẩu rất vô lý như tăm xỉa răng, giấy bìa, dây đeo thẻ… Quốc hội phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ về đẩy mạnh sản xuất trong nước, dần dần phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí để giảm nhập khẩu.

Theo Vũ Hạnh

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên