Làm rõ chạy chức, chạy ghế
Có tình trạng cán bộ đủ thứ bằng cấp, đủ thứ bồi dưỡng nhưng giao việc thì không làm được. Nhiều người càng không làm được việc thì lại càng được cử đi học!
Ngày 20-9, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức (CB-CC-VC).
Quy trình quá lạc hậu
Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý, cho biết việc thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, có hiện tượng tiêu cực chưa phát hiện, xử lý kịp thời, quy trình bổ nhiệm cán bộ quá lạc hậu.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chất vấn: “Tôi thấy dường như quy trình bổ nhiệm cán bộ năm 2013 chẳng khác gì năm 1993. Liệu có phải 20 năm vẫn giữ một quy trình?”. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết dư luận lên tiếng tỉ lệ “1/3” để nói về sự cống hiến của cán bộ; còn trung ương nhận định một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, vậy báo cáo có nêu được rõ không?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải trình 30% CB-CC-VC không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là dư luận chứ chưa có đánh giá chính thức. Báo cáo từ các địa phương cho biết số CB-CC-VC không hoàn thành nhiệm vụ chỉ 1%. Không hài lòng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển hỏi thẳng: Công tác tuyển chọn, bổ nhiệm có thực chất hay chỉ là hình thức, nặng bằng cấp, nhẹ năng lực? Theo ông, có tình trạng CB-CC có đủ thứ bằng cấp, đủ thứ bồi dưỡng nhưng giao việc là chịu. Nhiều người càng không làm được việc thì lại càng được cử đi học!
Nghi ngờ có tiêu cực
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bức xúc rằng dư luận phản ánh có chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy ghế... Giám sát phải làm rõ, nhất là việc bổ nhiệm không đúng quy định có tiêu cực hay không? Bổ nhiệm sai quy định đang làm xã hội nghi ngờ có tiêu cực, tham nhũng nên cần kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm khắc. Một bộ không quá 4 thứ trưởng nhưng qua danh bạ có bộ tới 11 thứ trưởng. Rồi cấp cục, tổng cục không được quá 4 người nhưng hiện có cả chục phó tổng cục. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ gác cổng cho Chính phủ là thế nào? Báo cáo cũng phải chỉ ra được những quyết định bổ nhiệm CB chỉ làm được 1 năm là nghỉ hưu hoặc trên 55 tuổi là trái với quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận tiêu cực trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm là vấn đề nhức nhối; ngành nội vụ đã được giao xây dựng nghị định về phòng chống tiêu cực trong công tác CB và thi đua, khen thưởng. Văn bản này đang lấy ý kiến các bộ, ngành và có thể ban hành trong quý IV/2013.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết đề án tuyển chọn CB từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc từ các trường ĐH là lệch hướng. Chất lượng trường ĐH không đồng đều, người xuất sắc của trường này không bằng loại thường của trường khác là thực tế.
Bên cạnh đó, quy định tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở trường ĐH nước ngoài mà là trong top 200 ĐH hàng đầu thế giới là không khả thi. Nhiều người học rất giỏi, sáng tạo, nhiều đề tài khoa học tốt nhưng không giỏi toàn diện các môn nên không thể tốt nghiệp xuất sắc. Từng cơ quan phải ra đề bài thực chất để chọn nhân tài và tạo sân chơi để họ phát huy thì mới hiệu quả. Chỉ lo tuyển mà không có cơ hội phát huy, chỉ vào pha trà rót nước thì họ lại bỏ đi hoặc thui chột năng lực.
Tính đến ngày 31-12-2012, cả nước có khoảng 1,7 triệu VC và 525.481 CB, CC. Trong đó, về trình độ chuyên môn, hơn 64.000 CB-CC chưa qua đào tạo.