MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm sao để xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế?

“Chính Phủ là thể chế duy nhất đưa ra được tầm nhìn dài hạn và giải pháp trong giai đoạn đầu. Không một nhà sản xuất đơn lẻ nào có khả năng xây dựng thương hiệu hoặc thâm nhập thị trường xuất khẩu một cách độc lập.”

“Mọi người vẫn nghĩ cạnh tranh trong kinh tế là cạnh tranh bằng giá cả thấp. Đó là điều sai lầm. Ví dụ điển hình là Steve Job đã tạo ra Ipad, Iphone và cạnh tranh không bằng giá cả mà bằng chất lượng của hàng hóa” – Ông Stephen Kreppel, Chuyên gia xây dựng thương hiệu của Công ty tư vấn National Consultancy phát biểu tại hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của Doanh nghiệp” được VCCI tổ chức vào ngày 18/11.

70 năm hay 100 năm để xây dựng thương hiệu, Việt Nam vẫn có thể làm được

Trước đó, tại hội thảo này, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký của VCCI đã nhận xét, hiện nay các doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn là tập trung đầu tư cho tài sản cố định như nhà máy, công xưởng (mặc dù điều này là thực sự cần thiết) nhưng việc đầu tư cho tài sản vô hình như thương hiệu thì chưa được quan tâm thích đáng.

Do đó, câu hỏi “Vì sao Việt Nam chưa có thương hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới?” không phải là một câu hỏi khó trả lời, trong khi ciệc hội nhập ngày càng sâu vào thị trường quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy về thương hiệu, phải có tầm nhìn dài hạn và chiến lược marketing tổng thể.

Ông Stephen Kreppel khẳng định, quảng bá thương hiệu đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng dấu ấn Việt Nam trên thị trường thế giới nhưng các Doanh nghiệp chưa có sự đầu tư thích đáng cho việc này.

Theo chuyên gia, các nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore đã có bước tiến nhất định trong việc quảng bá sản phẩm của mình ra thế giới và sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tương đối cao. Quãng thời gian để đi đến thành công này tương đối dài, ví dụ như Hàn Quốc đã mất 70 năm, Thái Lan mất 100 năm nhưng Việt Nam hoàn toàn thể đạt được mục đích cuối cùng nếu có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Đi sâu vào phân tích thực trạng tại Việt Nam, ông Stephen Kreppel cho rằng hiện tại Doanh nghiệp Việt mới quan tâm đến giá đơn thuần chứ không phải lợi nhuận. Lợi nhuận sinh ra từ các sản phẩm của Việt Nam thuộc về các công ty nước ngoài. Đó là những bất lợi của nền sản xuất Việt Nam vốn vẫn được nhắc đến lâu nay: không sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, không tạo ra nguồn đầu tư tái tạo hình ảnh.

“Nếu tình trạng này kéo dài thì không thể chấp nhận được. Phải dừng lại nếu không Việt Nam sẽ đánh mất nguồn FDI sang các nước có sự cạnh tranh tốt hơn cũng như đánh mất những lợi thế mà chúng ta đang có.” – chuyên gia của Công ty tư vấn National Consultancy phát biểu.

Xây dựng thương hiệu quốc gia: Phải có sự hợp tác giữa Chính Phủ và tư nhân

Theo ông Kreppel, cũng do chất lượng sản phẩm Việt Nam chưa cao, dẫn đến cuỗi cung ứng chưa tốt. Vì vậy, kết quả là Việt Nam không có những mặt hàng sinh lời cao và kéo theo việc nền kinh tế nói chung phát triển chậm đi. Ngoài ra, Việt Nam còn đối mặt với thách thức rơi vào bẫy thu nhâp trung bình, không có khả năng chi trả cho những mặt hàng chất lượng cao, có giá cao hơn. Thách thức thứ hai là sự gia tăng trong ứng dụng máy móc, rô bốt. Khi các công ty không thuê người lao động mà sử dụng rô bốt để làm việc thì lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn là lợi thế nữa.

Tóm lại, theo chuyên gia này, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết là tạo ra một động lực mới cho sự cải tạo. Để làm được điều này, trước mắt phải phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu xuất khẩu. Giải pháp ông Kreppel đưa ra là phát triển nền kinh tế thị trường. Cụ thể là tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu để xuất khẩu những sản phẩm nhiều lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người nước ngoài, cuối cùng là xây dựng sản phẩm có thương hiệu Việt Nam.

Làm sao để triển khai giải pháp này? Ông Kreppel khẳng định, phải có sự hợp tác giữa khu vực chính phủ và tư nhân. Khi xây dựng thương hiệu quốc gia thì Chính Phủ sẽ đưa ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cùng một lúc.

Một chuyên gia đến từ công ty tư vấn National Consultancy cũng khẳng định, Chính Phủ là thể chế duy nhất đưa ra được tầm nhìn dài hạn và đưa ra được giải pháp trong giai đoạn đầu, không một nhà sản xuất đơn lẻ nào có khả năng xây dựng thương hiệu hoặc thâm nhập thị trường xuất khẩu một cách độc lập. Muốn có danh tiếng mang tầm cỡ thế giới phải có sự hợp tác giữa khu vực tư nhân và chính phủ.

Vấn đề mấu chốt đối với Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu là làm như thế nào để biết người tiêu dùng thực sự muốn gì. Theo ông Kreppel, mỗi ngành đều có yếu tố sức mạnh cạnh tranh tiềm ẩn của mình. Nếu trong ngành có một vài Doanh nghiệp “thực sự tham vọng” thì họ sẵn sàng tiên phong tạo ra mặt hàng có sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Trong một ngành hàng, không thể đòi hỏi tất cả các Doanh nghiệp tiên phong mà chỉ cần một vài Doanh nghiệp thực sự tham vọng đóng vai trò đầu tàu kéo các Doanh nghiệp khác. Những công ty đầy tham vọng và chủ động này cũng không đòi hỏi phải là những công ty lớn, siêu lớn mà chỉ cần là Doanh nghiệp nhỏ sẵn sàng “nắm tay nhau, liên kết cùng nhau”, cũng có thể là các hợp tác xã sẵn sàng đầu tư cho công tác quảng cáo.

Bảo Ngọc

thunm

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên