Lỗ hổng trong quy định pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt
Liên quan đến quan điểm trái chiều giữa DN và cơ quan kiểm toán về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện Kiểm toán Nhà nước khẳng định có lỗ hổng trong chính sách.
- 10-07-2015Dù là “lỗ hổng” thì Sabeco vẫn phải nộp 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB
- 10-07-2015Bộ Tài chính không “ngây thơ” bỏ qua những cục vàng Sabeco?
- 09-07-2015Tổng cục Thuế phản hồi về việc truy thu thuế của Sabeco
- 07-07-2015Ngoài Sabeco, “đại gia” ngành bia nào có thể bị truy thu thuế?
Trong tuần qua, quan điểm trái chiều trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt giữa Sabeco và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như báo chí. Thị trường bắt đầu nóng lên với văn bản của KTNN kiến nghị Sabeco phải nộp thêm 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngay lập tức, Sabeco đã có phản hồi khẳng định là mình không sai.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn Sabeco cho rằng: “Không có sai sót bất cứ điều gì, chúng tôi cam kết điều đó. Bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào sản xuất chứ không đánh vào thương mại”.
Trước lập luận tự vệ của doanh nghiệp, KTNN vẫn bảo lưu ý kiến của mình. “Chúng tôi xác định mô hình của Tổng công ty Bia Sài Gòn là khép kín, công ty mẹ quyết định về nguyên liệu đầu vào, giá bán ra thị trường, lợi nhuận cuối cùng thu về Sabeco nên chúng tôi truy thu thuế” - Bà Trương Thị Việt Hương, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực 4 cho biết.
Trong khi doanh nghiệp, Hiệp hội đều khẳng định mình làm đúng luật còn đơn vị kiểm toán khẳng định sẽ truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt. Quan điểm trái chiều này xuất phát từ cơ sở nào? Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico: “Quan điểm khác nhau do quy định không rõ. Sabeco thực hiện theo đúng luật, theo đúng Thông tư, theo đúng từng câu chữ. Trong khi đó, bên KTNN và Bộ Tài chính họ lý giải theo tinh thần, theo chủ trương cần thu đúng, thu đủ”.
Như vậy, cùng một nội dung, cùng một câu chữ trong luật định mà doanh nghiệp hiểu một đằng, đơn vị quản lý lại hiểu theo một nẻo. Phải chăng có một lỗ hổng trong quy định pháp luật về thuế tiêu thụ đặc biệt? Trong buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2014 ngày 19/7, đại diện KTNN khẳng định có lỗ hổng trong chính sách. Tuy nhiên, KTNN cũng nhận định lỗ hổng đó sẽ được “vá” nếu dự thảo Nghị định hướng dẫn thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo được Chính phủ thông qua.
Theo dự thảo, giá tính thuế dựa trên giá bán sản phẩm của một doanh nghiệp ra khỏi hệ thống của mình, chứ không phải giữa các công ty con trong cùng hệ thống như cách hiểu của Sabeco. Hơn nữa, thay vì cho phép giá tính thuế bằng giá bán trừ 10%, dự thảo chỉ cho phép mức trừ này giảm còn 5%. Như vậy, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ cao lên khá nhiều so với hiện nay.
Với dự thảo nghị định hướng dẫn luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang được xây dựng, liệu lỗ hổng pháp lý có thể được "vá" lại hoàn toàn hay không? Chúng ta nên ứng xử thế nào với lỗ hổng lúc này? Trong trường hợp cụ thể của Sabeco, có thu thuế hay không? Đây là nội dung được đưa ra bình luận trong chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần với sự tham gia của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico.