MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại bớt phí để dân dễ thở

Thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí ngày 18/6, nhiều Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đã viện dẫn ra những khoản thu bất hợp lý, gây bức xúc cho người dân cần phải loại bỏ.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, việc loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Theo ĐB Tuấn, hiện nay đang tồn tại nhiều loại phí rất bất hợp lý, gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội. “Câu chuyện con gà từ lúc nuôi đến lúc giết thịt phải chịu 14 loại phí đã được Chủ tịch Quốc hội và 2 Bộ trưởng ghi nhận tại phiên chất vấn vừa qua là một minh chứng cụ thể”, ĐB Tuấn dẫn dụ.

Đề nghị bỏ phí đường bộ với xe máy

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TPHCM đưa ra ba đề nghị: Luật phí, lệ phí cần quy định HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyền quyết định một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục; được quyết định mức thu cụ thể đối với một số phí, lệ phí mà Chính phủ quy định mức khung; được quyết định miễn giảm đối với một số khoản phí, lệ phí. Đề cập đến danh mục phí, lệ phí, ĐB Tâm đề nghị bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao, phức tạp, quản lý thu và sử dụng nguồn thu kém hiệu quả.

“Cần nghiên cứu thật kỹ hoặc bỏ những loại phí, lệ phí mà rất nhiều đại biểu có ý kiến, ví dụ như lệ phí sử dụng lề đường, lòng đường hay lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài, phí bảo vệ môi trường, lệ phí trong ngành ngoại giao…”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị bãi bỏ việc thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy. “Khoản phí này không được người dân đồng tình, lại còn hội tụ cả những yếu tố như không hợp lý, thiếu công bằng, khó công khai minh bạch, khó thực hiện”, ĐB Tâm nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cũng đề nghị xem xét đối với phí giao thông, xe gắn máy cho những vùng miền núi và những vùng đặc biệt khó khăn. “Khoản phí này rất thấp, trong quá trình thu cũng rất khó khăn. Người dân nói rằng quá trình thu nộp vướng mắc rất nhiều vấn đề”, ĐB Thành cho hay.

Lo ngại tiêu cực trong thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè

Đề cập đến phí sử dụng tạm thời lề đường, lòng đường, hè phố, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, đây là một bất cập ở các đô thị lớn. Thực tế hiện nay vỉa hè, lề đường được các tổ chức, cá nhân sử dụng, nhưng phí ai thu, thu có đúng quy định không thì rất khó thống kê. “Nếu nhu cầu sử dụng hè phố, lề đường là tất yếu đối với các đô thị lớn thì chúng ta cần phải quy định rõ khu vực nào tuyệt đối không được phép mua bán”, theo ĐB Cảnh, việc quy định cụ thể như vậy sẽ tăng được nguồn thu chính thức cho địa phương.

Tương tự đối với việc thu phí giao thông với các công trình đầu tư theo hình thức BOT, ĐB Cảnh cho rằng, nếu đã quy định thì điều kiện thu là đường phải đảm bảo chất lượng, các trạm thu phí phải được hiện đại hóa, tự động hóa để giao thông không bị ách tắc tại các trạm thu phí.

 - ảnh 1
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết sẽ giảm bớt gánh nặng cho người dân. Ảnh: Như Ý.

Nợ đọng nghìn tỷ đồng phí môi trường

Đề cập đến phí môi trường, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng, mức phí môi trường trong khai thác khoáng sản gần như không căn cứ đến yếu tố gây ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm và mức độ tác động của khai thác khoáng sản. ĐB Hòa ví dụ, một tấn than khai thác lộ thiên, bất kể tác động đến cảnh quan sinh thái ra sao, bóc đất nhiều hay ít nhưng phí bảo vệ môi trường lại đều như nhau.

“Một tấn than khai thác hầm lò ít tác động đến bề mặt hơn nhưng vẫn có mức phí bảo vệ môi trường như một tấn than khai thác lộ thiên. Tôi đề nghị quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định mức thu phí phải có căn cứ hợp lý, công bằng, đúng bản chất và đúng mục tiêu sử dụng”, ĐB Hòa nêu.

Đề nghị đưa dịch vụ môi trường rừng vào danh mục phí và lệ phí, ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng, thực chất đây là một loại phí, vì mục đích thu, chi loại phí này đều nhằm trang trải chi phí cung cấp dịch vụ. ĐB Pham cũng cho biết, hiện có rất nhiều tổ chức, cá nhân nợ đọng. Các nhà máy thủy điện thực hiện chưa nghiêm túc, không thực hiện theo cam kết.

Theo ĐB Pham, số tiền nợ đọng phí về môi trường rừng đã lên đến hơn một nghìn tỷ đồng, do các doanh nghiệp kinh doanh thủy điện cố tình chây ỳ hoặc né tránh, không thực hiện nghĩa vụ và cam kết của mình. Nguyên nhân một phần do chưa có luật điều chỉnh và chưa có chế tài rõ ràng để xử lý, làm ảnh hưởng rất lớn đến các khoản chi trả để ngăn chặn suy thoái rừng. “Tôi đề nghị nên coi đây là một loại phí để đưa vào trong Luật”, ĐB Pham nêu quan điểm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự thảo Luật phí và lệ phí cần xét cụ thể từng loại để phân ra cơ quan nào ban hành tránh chồng chéo như tình trạng hiện nay.

Ông Long đưa ra ví dụ trong lĩnh vực giao thông, xem có những loại phí gì và cơ quan nào ban hành, tương tự cũng cần xác định rõ trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp hay tài chính, ngân hàng có loại phí nào đang chồng chéo. “Cái nào đang chồng chéo phải bỏ ngay”, ông Long nhấn mạnh.

Liên quan đến việc phân cấp ban hành thu phí và lệ phí, ông Long cho hay, cần xác định rõ nguyên tắc hình thành phí và lệ phí, rồi mới quy định do trung ương hay địa phương ban hành quyết định thu. Cấp trung ương chỉ cần ban hành quy định khung, thực hiện thu do địa phương quyết định.

 

Theo Thành Nam

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên