MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Lấn cấn chủ thể doanh nghiệp nhà nước

Đánh giá Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này như một bước đột phá thứ 3 - dù tác động đến xã hội không sâu rộng bằng 2 lần trước

Song TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thẳng thắn cho rằng, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vẫn ôm đồm. Quan trọng hơn cả là một chủ thuyết phát triển cho khối doanh nghiệp nhà nước cũng chưa rõ ràng.

Là chuyên gia kinh tế, hẳn ông có nhiều điều tâm huyết đóng góp xây dựng Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này. Ông có đồng tình với quan điểm cho rằng đây sẽ là bước đột phá lần thứ 3 đối với nền kinh tế?

TS. Trần Du Lịch:Ở góc độ nào đó, luật này cũng có sự đột phá. Lần 1, năm 1991, Luật Công ty ra đời, cho phép người dân được kinh doanh. Lần thứ 2 vào năm 2000, cho phép người dân được quyền đăng ký kinh doanh, hoạt động theo những gì đã đăng ký và lần này là người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. 

Nhưng không nên kỳ vọng đột phá lần này tạo ra những tác động lớn như những lần trước, vì chủ yếu mới giải quyết trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp. Dù đó cũng là một khâu quan trọng, nhưng để doanh nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả, đúng pháp luật vẫn còn rất cần đến các quy định pháp luật khác. 

Đặc biệt là quá trình triển khai thực thi pháp luật nữa. Nói nôm na là luật lần này giúp việc đăng ký “khai sinh” cho doanh nghiệp dễ dàng hơn, nhưng trong suốt quá trình sống của doanh nghiệp, làm sao để họ không bị phiền hà vô lối mới là chuyện thực sự có ý nghĩa quyết định. Tôi muốn nói thêm, để đạt được mục tiêu đó thì trách nhiệm của chính quyền địa phương ở khâu thực thi hậu kiểm cực kỳ quan trọng, nhưng đáng tiếc vai trò của chính quyền địa phương trong các văn bản luật còn khá mờ nhạt.

- Nếu đồng thuận rằng Luật Doanh nghiệp sửa đổi chỉ điều chỉnh khâu “khai sinh” và quản trị doanh nghiệp - như quan điểm của cơ quan thẩm tra - ông có ý kiến gì về nội dung dự thảo luật vừa được trình tại kỳ họp Quốc hội thứ 7?

Một điểm đáng lưu ý trong luật này là chủ thuyết về doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng. Tôi đồng tình với quan điểm không đưa nội dung về doanh nghiệp nhà nước thành một chương riêng (chương 4 trong dự thảo), bởi lẽ khi nhà nước tham gia kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp thì vai trò của nhà nước lúc ấy là nhà đầu tư, một chủ thể kinh doanh (không phải cơ quan quyền lực). Đã tham gia thương trường thì phải hoạt động theo luật, bình đẳng với các thành phần khác. 

Một doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường, đối tác làm việc với doanh nghiệp ấy không nhất thiết cần biết ông chủ là ai cả! Để giải quyết mối quan hệ giữa ông chủ - nhà nước với pháp nhân quản trị doanh nghiệp thì đã có Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hiện cũng đang được chuẩn bị đồng thời với Luật Doanh nghiệp sửa đổi; Luật Công chức, Luật Viên chức và nhiều luật liên quan khác. Mặt khác, theo tôi, chỉ những doanh nghiệp mà nhà nước giữ 100% vốn mới xem là doanh nghiệp nhà nước, còn lại, nhà nước cũng chỉ là một cổ đông.

Xây dựng loại hình định chế công tự quản

- Nhưng chúng ta đều biết rằng doanh nghiệp nhà nước không chỉ có chức năng kinh doanh thu lợi nhuận mà còn phải đảm đương các vai trò khác nữa, mô hình quản trị cũng không giống với các công ty thuộc thành phần kinh tế khác, thưa ông?

Từ rất lâu, tôi đã đề nghị xây dựng loại hình định chế công tự quản phi lợi nhuận. Đây là tổ chức có thể của nhà nước, cũng có thể của tư nhân nhưng lợi nhuận làm ra chỉ để phát triển chứ không chia, áp dụng cho các lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa… 

Nhiều nước áp dụng định chế này như cầu nối giữa thị trường với nhà nước và xử lý rất tốt chức năng bổ khuyết cho thị trường, thay thế cho loại hình “doanh nghiệp công ích” dở dở ương ương hiện nay. Như thế, khái niệm “doanh nghiệp xã hội” cũng không cần đặt ra cho thêm phức tạp. 

Nếu muốn khuyến khích doanh nghiệp không chia lợi nhuận mà dành để phát triển thì sử dụng các công cụ thuế. Ví dụ doanh nghiệp nào dành trên 51% lợi nhuận để tái đầu tư thì được miễn giảm thuế là đủ.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng nên lược bỏ chương về tập đoàn; công ty mẹ - công ty con. Khái niệm mẹ - con chỉ là hình tượng cho dễ hiểu để giải thích mối quan hệ về sở hữu, còn thực chất cũng là công ty cổ phần. Còn tập đoàn là gì? Đó là một nhóm công ty, giống như một bụi tre, hình thành từ một cây tre ban đầu, rồi phát triển dần ra mà thôi. Người ta cần quan tâm hạn chế khả năng lũng đoạn thị trường của tập đoàn, nhưng không phải trong luật này. Dọn dẹp những thứ này đi thì luật sẽ trong sáng hơn và đúng nghĩa là Luật Doanh nghiệp.

Những quy định điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước - như tôi đã nói - sẽ có trong các luật chuyên ngành chứ không nên và cũng không thể “ôm” hết vào đây được.

- Còn loại hình doanh nghiệp FDI thì sao, thưa ông?

Cũng thế. Tôi thống nhất là dù có áp dụng cơ chế không phân biệt đối xử theo WTO, nhưng quốc gia nào cũng có một số hạn chế, điều kiện nhất định chứ không quốc gia nào “mở toang” hết mọi cửa cho doanh nghiệp nước ngoài. Cũng lại phải phân biệt DN có vốn nước ngoài và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (100% vốn ngoại). Nhưng nên đưa vào Luật Đầu tư, còn khi thành lập theo Luật Doanh nghiệp thì quy trình thủ tục giống nhau.

- Cảm ơn ông!

>>>Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi: Đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường

Theo Cầm Hà

cucpth

Saigongiaiphong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên