MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Việc làm cần đi liền với bảo hiểm thất nghiệp

Hiện nay đối với gần 66% lao động không có quan hệ lao động thì các cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ nhân lực và công cụ để kiểm soát được về mặt thu nhập và việc làm.

Ngày 19-6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Việc làm. Các ĐB thảo luận nhiều nội dung liên quan đến người lao động, thị trường lao động... trong đó nổi lên là vấn đề cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động nhằm tạo điều kiện để họ xin việc làm...

Chưa kiểm soát được số lượng lao động

Theo ĐB Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An), về quản lý lực lượng lao động, hiện nay chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý được toàn bộ lực lượng lao động, nắm được tình trạng lao động, việc làm, di chuyển lao động... Trong khi đó, tổng điều tra dân số được thực hiện 10 năm 1 lần nên thông tin chậm cập nhật, các cuộc điều tra về lao động việc làm hầu hết là điều tra chọn mẫu, độ tin cậy chính xác của thông tin chưa cao, thiếu các thông tin chính xác, cập nhật chưa đầy đủ nhất là ở các địa phương. 

Đồng quan điểm với ông Thu, ĐB Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá, hiện nay Bộ luật Lao động mới chỉ điều chỉnh được khoảng 15 triệu người trong tổng số hơn 50 triệu lao động làm việc trong nền kinh tế quốc dân, như vậy còn khoảng 35 triệu lao động chưa có hoặc ít được pháp luật điều chỉnh. Vậy đạo luật nào sẽ góp phần hình thành các chính sách để thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy tạo việc làm và bảo đảm sự công bằng cho cả lao động khu vực không có quan hệ lao động và khu vực có quan hệ lao động. "Với những lý do đó, tôi tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Việc làm, bao gồm cả nhóm lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động” – bà Nguyệt nêu ý kiến.

Mở rộng đối tượng bảo hiểm thất nghiệp

ĐB Nguyễn Hữu Đức (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn thì mục tiêu quan trọng nhất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là nhằm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp để họ sớm tìm được việc làm. Đồng thời có hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp. 

Trên thực tiễn, qua 3 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế trong việc thực hiện đúng chức năng, vai trò và chính sách bảo đảm về việc làm toàn diện cho người lao động. Ông Đức khẳng định: "Các quy định pháp luật hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho người lao động sau khi bị mất việc làm, giải quyết hậu quả thất nghiệp mà chưa có một chính sách duy trì việc làm ngăn ngừa hay hạn chế thất nghiệp”.

Còn ĐB Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) đánh giá: Việc Dự án Luật Việc làm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là rất cần thiết. Bởi theo quy định hiện hành, chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ điều chỉnh người lao động có giao kết hợp đồng lao động làm việc không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, với người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 lao động trở lên. 

Tuy nhiên, bà Yến cũng lưu ý khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như vậy, cùng với việc bổ sung thêm chế độ hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để duy trì việc làm, cũng như điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ, đào tạo, tư vấn đối với người lao động theo hướng mở thuận lợi hơn, thì bài toán về quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được xem xét kỹ nhằm cân đối thu chi trong điều kiện kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước giảm đi. 

Hiện nay đối với gần 66% lao động không có quan hệ lao động thì các cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ nhân lực và công cụ để kiểm soát được về mặt thu nhập và việc làm, mà mới chỉ kiểm soát được về mặt cư trú nên việc thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp với nhóm đối tượng này là điều khó khả thi.

Cấp chứng chỉ kỹ năng nghề

Theo ĐB Nguyễn Hữu Đức (đoàn Đồng Tháp), Dự thảo Luật Việc làm đã tạo hành lang pháp lý cho việc quy định tiêu chuẩn, kỹ năng nghề quốc gia và việc đánh giá chứng nhận cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đó là cơ sở để người lao động phấn đấu nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất kinh doanh và đẩy người sử dụng lao động bố trí việc làm, trả lương hợp lý cho người lao động, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp và cũng là căn cứ để xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với yêu cầu của sản xuất và kinh doanh. 

Tán đồng với ý kiến của ông Đức, ĐB Ly Kiều Vân (đoàn Quảng Trị) cho rằng, ông cơ bản đồng tình như quy định của Dự thảo Luật Việc làm về cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề của người lao động đối với một ngành nghề nhất định. "Tuy nhiên luật cần quy định rõ hơn về trình tự thủ tục đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Thực tế hiện nay có những ngành nghề truyền thống ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của họ nhưng họ chỉ bằng hình thức truyền nghề qua các cơ sở đào tạo không có bằng cấp chứng chỉ thì việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề được quy định như thế nào trong dự thảo luật này?” – ĐB Vân đặt câu hỏi.

Đồng ý với hai đại biểu trên về quan điểm, nhưng ĐB Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) lưu ý: "Dự thảo Luật Việc làm cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định để có thể áp dụng những tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc tế đã được công nhận ở Việt Nam. Đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc các tiêu chuẩn, kỹ năng nghề quốc gia phải tiếp cận chuẩn mực kỹ năng nghề quốc tế phù hợp trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay...”.

Cũng trong ngày 19-6, QH đã biểu quyết thông qua các dự án luật: Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh được thông qua với 460 ĐB tán thành, chiếm tỷ lệ 90,36% trên tổng số ĐBQH. Luật Thuế giá trị gia tăng được thông qua với 455 ĐB tán thành, đạt tỷ lệ 91,37%. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được thông qua với 451 ĐB tán thành, đạt tỷ lệ 91,57%. Luật Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai được thông qua với 458 ĐB tán thành, đạt tỷ lệ 91,97%.

 
Theo Lê Anh Đức

thunm

Đại Đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên