MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Lực hút" FDI, ODA

Tại TP. HCM vừa diễn ra tọa đàm "Hội nhập quốc tế: Một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015" do Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP. HCM tổ chức.

Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: Đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và một số Hiệp định Thương mại quốc tế mà Việt Nam ký kết và đang tham gia đàm phán.

Tại tọa đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Chủ trương hội nhập quốc tế của nước ta đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trên các lĩnh vực quan trọng như: Kinh tế, chính trị, quốc phòng- an ninh...

Hội nhập kinh tế quốc tế là công cụ quan trọng đẩy mạnh thu hút FDI, ODA, tăng cường xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn, với kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 160% GDP.  Việt Nam đã kết thúc đàm phán 2 trong 6 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, đặt những "viên gạch" đầu tiên trong việc định vị Việt Nam là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Bên cạnh đó, một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Việt Nam là chủ động, tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN; củng cố đoàn kết, duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực. Việt Nam hiện là nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN, đạt tỉ lệ 85% so với tỷ lệ trung bình của ASEAN là hơn 80%.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2015 có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta, với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2011- 2015), tiếp tục triển khai mạnh mẽ hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Để làm tốt nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế. Điều này đòi hỏi cả Chính phủ lẫn DN không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh...”

Chia sẻ thông tin về hội nhập, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng- Bộ phận Thường trực APEC 2017, cho rằng để nâng tầm tham gia hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế của các địa phương và DN cần triền khai một số giải pháp như đổi mới cách nghĩ, cách làm trong tham gia các hoạt động hội nhập, liên kết kinh tế theo hướng “chủ động tham gia, tích cực đề xuất và đóng góp”; sớm chủ động, tích cực tham gia đầu tư và triển khai các dự án xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, trao đổi kinh nghiệm về hội nhập và kỹ năng hội nhập; vận động, đấu tranh với các biện pháp, phòng vệ thương mại của các đối tác, thực hiện các FTA và tham gia các hoạt động lớn về hội nhập kinh tế quốc tế; củng cố và đổi mới các cơ chế phối hợp liên ngành.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và nền kinh tế toàn cầu đầy biến động và thay đổi mạnh mẽ, cả Chính phủ và DN phải không ngừng đổi mới, nhận thức, học hỏi, sáng tạo và quyết liệt hành động trên rất nhiều khía cạnh. Hội nhập vừa là cơ hội vừa là thách thức và có không ít rủi ro, song rủi ro lớn nhất của việc không hội nhập là không có sự phát triển đi cùng thời đại.

>>>Giải ngân vốn ODA chuyển biến tích cực

Theo Ngọc Thảo

PV

Báo Công thương

Trở lên trên