MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất 29.000 tỷ đồng vì phụ phí “trời ơi”!

Theo thống kê của các hiệp hội ngành hàng, chỉ riêng tiền phí và phụ phí, mỗi năm các hãng tàu nước ngoài thu của doanh nghiệp VN tới 29.000 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của VN đang bức xúc trước tình trạng hãng tàu nước ngoài lạm thu quá nhiều loại phí và phụ phí vận tải biển vô lý, áp đặt. Trong đó, các hãng tàu thu phí kẹt cảng từ 1 - 2,4 triệu đồng/container, vượt xa mức thu thực tế của cảng. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP) vừa kiến nghị với Cục hàng hải, cần phải đòi lại các khoản phí vô lý mà hãng tàu đã thu suốt thời gian qua.

Phí chồng phí

Theo các doanh nghiệp ngành thuỷ sản, ngoài cước vận chuyển, các hãng tàu đã và đang thu thêm hàng chục lọại phí như: phí dịch vụ container,phí cân đối container, phí tắc nghẽn cảng, phí vệ sinh, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí chứng từ, phí lưu kho bãi, phí giao hàng,…

Và theo VASEP, nhiều loại phí hãng tàu chỉ là đơn vị thu giúp cho cảng. Thế nhưng, các hãng tàu luôn thu quá thậm chí thu gấp đôi so với mức thu của cảng. Điển hình như, phí dịch vụ container. Đây là loại phí các chủ tàu thu trực tiếp từ doanh nghiệp rồi nộp cho cảng. Tuy nhiên, cảng chỉ thu khoảng 35 USD trên một container 20 feet và 40-50 USD cho 1 container 40 feet nhưng các hãng tàu lại thu của chủ hàng 100-120 USD/container. Như vậy, khoản chênh lệch từ 60-70 USD hoàn toàn rơi vào túi các hãng tàu.

Phí tắc nghẽn cảng cũng bị thu trong tình trạng tương tự. Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 7/2014, Tổng công ty Tân Cảng- Sài Gòn, đơn vị quản lý và vận hành cảng Cát Lái (TP.HCM) ra thông báo tăng phí nâng container từ bãi lên xe giao hàng từ cảng Cát Lái nhằm khuyến khích khách hàng lấy hàng sớm tránh ùn tắc. Mức phí từ 275.000 -1.480.000 đồng/container. Tuy nhiên, nhân việc này nhiều hãng tàu đã ra thu phí tắc nghẽn cảng. Với cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu, mức thu từ 1-2,4 triệu đồng/container vượt xa so với mức thu của cảng.

Không những vậy, hãng tàu còn thu phí chồng phí. Phí bill là phí hành chính thu từ 600.00-800.000 đồng/bộ nhưng hãng tàu lại thu thêm phí dịch vụ giao nhận. Theo VASEP hai loại phí này thực chất là một. Như vậy, một bộ chứng từ phải nộp hai lần phí. Rồi có thêm phí chuyển container đến vị trí chỉ định thu từ 50-100 USD/container. VASEP cho biết khi hỏi vì sao lại có loại phí này thì các hãng tàu trả lời do hàng lấy về từ Trung Quốc?

Trong một văn bản báo cáo Cục Hàng hải về tình hình thu phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, VASEP cho biết, hãng tàu thu nhiều loại phí vô lý như: phí mất cân đối container, phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container… Đây là những khoản phí mà đáng lẽ phải làm trong dịch vụ của hãng tàu thì các hãng tàu lại thu của doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình như phí sửa chữa vỏ container. Các hãng tàu đã có chi phí khấu hao tài sản trong quá trình kinh doanh nhưng lại thu của doanh nghiệp Việt Nam là quá vô lý!

Mất 1,4 tỉ USD vì phụ phí

Theo thống kê của Hiệp hội Da giày Việt Nam. Hiệp hội Dệt may Việt Nam và VASEP, chỉ riêng phí và phụ phí (không tính cước vận tải) trung bình một container hãng tàu ngước ngoài thu của doanh nghiệp Việt Nam khoảng 500 USD. Cao hơn mức thu của các nước trong khu vực.

Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, phí và phụ phí phải nộp cho hãng tàu của ngành hàng đã lên tới 110 triệu USD/năm. Mỗi năm, tương tương 1% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của ngành. 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, Hiệp hội đã làm việc với một số Hiệp hội ngành hàng riêng. Kết quả cho thấy phí và phụ phí đã chiếm mất 1% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. VASEP ước tính, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,4 tỉ USD tương đương 29.000 tỉ đồng vì các khoản phí và phụ phí mà các hãng tàu nước ngoài thu.

Các Hiệp hội ngành hàng cho hay, suốt từ 2010 đến nay nhiều loại phí và phụ phí tăng đều đặn mỗi năm 20%. Theo tính toán của các doanh nghiệp, hiện nay tổng chi phí đầu vào so với năm 2013 đã tăng khoảng 20-30% khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm. Không những thế, nhiều hãng tàu thông báo tăng đột ngột gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi phải mất thêm một khoản chi phí không được tính vào chi phí hợp đồng. Việc thu các phụ phí quá lớn đã làm tăng chi phí vận chuyển dẫn đến giá thành tăng làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.


Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên