MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất bao lâu để cổ phần hóa MobiFone?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, sẽ phải sớm cổ phần hóa MobiFone. Với quyết tâm này, có thể hy vọng việc cổ phần hóa MobiFone sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Trao đổi với ICTnews ngày 1/4/2014, Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Do đó sẽ phải tiến hành nhanh việc cổ phần hóa MobiFone trong thời gian tới. "Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong vấn đề này nên chắc chắn việc cổ phần hóa MobiFone sẽ được tiến hành nhanh chóng" Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Trước đó, ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, quan điểm của Bộ TT&TT là tách MobiFone ra để cổ phần hóa, thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển và thúc đẩy cạnh tranh bền vững theo hướng minh bạch hơn. Ông Phạm Hồng Hải cho biết, trong một lần họp với Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nếu để 3 năm là quá dài. 

Như vậy, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ không thể quá thời gian này. Còn ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương  thì cho rằng, thông điệp Thủ tướng trong năm 2014 chỉ có 1 tập đoàn, tổng công ty 91 cổ phần hóa. Vì vậy, trong năm nay hơi khó để cổ phần hóa xong MobiFone và hy vọng việc này sẽ tiến hành xong trong vòng 2 năm.

Theo phương án tái cơ cấu VNPT mà Chính phủ đã thông qua, việc tách MobiFone sẽ không kèm khoảng 60 doanh nghiệp của VNPT. Như vậy, tiến trình cổ phần hóa của MobiFone sẽ được nhanh hơn so với dự định trước đó. Lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông ngoài VNPT bình luận rằng với quyết định của Chính phủ như vậy, việc cổ phần hóa MobiFone chắc chắn sẽ được đẩy nhanh. Hơn nữa, các bước chuẩn bị cho việc cổ phần hóa MobiFone cũng đã được tiến hành trước đó như định giá doanh nghiệp... 

Như vậy, những bước này có thể chỉ cần khởi động lại chứ không mất nhiều thời gian như đối với những doanh nghiệp lần đầu có quyết định cổ phần hóa. Vị lãnh đạo này cũng phỏng đoán là việc cổ phần hóa MobiFone có thể sẽ hoàn trong năm 2015.

Trả lời câu hỏi nếu cổ phần hóa thì đối tác có thể chiếm bao nhiêu phần trăm cổ phần trong MobiFone, Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết: Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong các doanh nghiệp hạ tầng có thể chiếm đến 49% cổ phần mà viễn thông cũng là hạ tầng.

Từ năm 2006, việc cổ phần hóa MobiFone cũng đã được Chính phủ công bố. Tuy nhiên, do nhiều lý do trong đó về cơ bản do VNPT không sẵn sàng cho việc cổ phần hóa mạng di động này. Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã khẳng định việc cổ phần hóa MobiFone cần làm càng sớm càng tốt vì quyền lợi đất nước. 

Việc cổ phần hóa này đã bị chậm và nếu việc cổ phần hóa chậm sẽ mất đi cơ hội cho MobiFone. "Việc cổ phần hóa là bước tiến ngoạn mục của nền kinh tế và nó cũng giống như cô gái đẹp có 3 thời kỳ; kiêu hãnh, kêu gọi và kêu trời" ông Lê Doãn Hợp ví von

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp còn cho biết, kinh nghiệm tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn lớn trên thế giới cho thấy cần "bàn tay thép" của Nhà nước và có những doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa họ cảm thấy "không khí nặng nề như có đám" nhưng sau khi cổ phần hóa thì các doanh nghiệp phát triển tốt.

Tại thời điểm năm 2006 khi Chinh phủ công bố sẽ cổ phần hóa MobiFone thì đã có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đó là Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)... nộp hồ sơ thầu tư vấn về cổ phần hoá cho MobiFone. Nhà thầu tư vấn sẽ cùng với MobiFone trong việc định giá tài sản, lựa chọn đối tác chiến lược cũng như các bước tiến hành cổ phần hoá của mạng di động này. 

Sau đó Credit Suisse đã trúng thầu. Một nguồn tin không chính thức tại thời điểm đó cho hay Credit Suisse đã định giá MobiFone khoảng 2 tỷ USD. Thông tin này không được các đơn vị có thẩm quyền xác nhận.

Cũng tại thời điểm đó có rất nhiều hãng viễn thông nước ngoài như SingTel, Telenor, Comvik, T-Mobile, Vodafone… đổ bộ vào Việt Nam để tìm kiếm vị trí đối tác chiến lược với MobiFone. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chờ đợi, nhiều hãng viễn thông này đã không còn kiên nhẫn chờ đợi việc cổ phần hóa MobiFone và rút khỏi Việt Nam.

Theo Thái Khang

cucpth

ICTNews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên