MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất niềm tin, DNNN phải lấy lại bằng cách nào?

Chỉ có minh bạch tất cả các khoản đầu tư, lỗ lãi, lương, thưởng, quản lý… mới lấy lại niềm tin của người dân.

Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thực hiện từ cuối năm 2012 đã cho thấy, có tới 70% số người được hỏi bày tỏ sự không hài lòng về mức độ đóng góp của DNNN đối với nền kinh tế. Họ cho rằng, các DNNN đóng góp ở mức độ trung bình và rất hạn chế.

Những câu chuyện xảy ra tại Vinalines, Vinashin… đã khiến niềm tin với DNNN ngày càng bị “rơi rụng”. Theo một đại diện của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), ngày một xuất hiện nhiều “chúa chổm” doanh nghiệp nhà nước, với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 9 - 10 lần.

Ngoài ra, trong cách điều hành, phản ứng với thị trường, người tiêu dùng, thì nhiều tình huống DNNN lại tiếp tục “mất điểm”, ví dụ như chuyện điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện…

DNNN độc quyền tự nhiên đối với các lĩnh vực mà mình nắm giữ. Các DN này không cần cạnh tranh với ai và được bán những mặt hàng không thể thiếu trong đời sống dân sinh.

“Đó là sự nuông chiều quá mức với các DNNN” - ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa khẳng định. Việc quản lý không chặt chẽ những chi phí, giá thành, công tác kiểm tra, tiêu chí, định mức… không nghiêm nên dẫn đến tình trạng kém hiệu quả như thời gian qua. “Lỏng lẻo chính sách, không rốt ráo điều hành quản lý, lương bổng… được đưa tất cả vào trong chi phí, tính toán giá thành và dội vào đầu người tiêu dùng. Việc phân phối lợi nhuận, tiền lương lại không được kiểm soát chặt chẽ. Bằng chứng là, nhiều DNNN liên tục làm ăn thua lỗ nhưng lương của lãnh đạo DN, của các cán bộ, nhân viên lại cao ngất ngưởng.

Cùng chung quan điểm, nhà nước dường như đang quá ưu ái các anh độc quyền, như ngành cao su, ngành than… Cứ xuất khẩu khó khăn một chút, giá giảm thì hai anh này lại đòi giảm thuế xuất khẩu. Và ngay lập tức, hai ngành này được bộ Tài chính đáp ứng. 

Đơn cử đối với mặt hàng cao su, thuế xuất khẩu đã giảm tới 2-4% đối với từng loại nhóm sản phẩm từ ngày 26/12 /2013. Riêng với than, Bộ Tài chính liên tiếp giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống 10% rồi tăng lên 13%, còn nay đang áp dụng mức 10%, trong khi đó, giá bán than cho 4 ngành gồm điện, cho xi măng, giấy và phân bón thì được tính đúng tính đủ theo thị trường. 

Năm qua, than vừa được tăng giá và được giảm thuế xuất khẩu. Chắc chắn, điều này đóng góp không nhỏ cho lợi nhuận của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản. “Đây là sự nuông chiều các anh độc quyền chứ không thể nói là tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả?” – chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói.

Được ưu ái để sản xuất, kinh doanh nhưng hiệu quả mang lại không được như mong muốn. Chỉ khi DNNN phát huy được hiệu quả thì vị trí của nó sẽ được khẳng định và chẳng cần phải quảng bá gì nhiều, người dân sẽ khắc có niềm tin. “Bây giờ, DNNN được ưu tiên hơn nhưng hiệu quả thấp hơn, đóng góp ít hơn thì người ta không tin, không phục, chắc chắn vị thế với các thành phần kinh tế khác cũng bị lu mờ” – ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Minh bạch – lời giải cho bài toán niềm tin

Làm thế nào để có được niềm tin và lấy lại niềm tin nơi người tiêu dùng? Câu trả lời đơn giản: “Minh bạch tất cả”.

Trước tiên là giá xăng dầu. Tại buổi gặp mặt báo chí cuối năm được Bộ Tài chính tổ chức ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định năm 2014 sẽ tiếp tục công khai, minh bạch hơn trong điều hành giá xăng dầu. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng dầu nhập khẩu thành phẩm…

“Cơ chế điều hành giá xăng dầu có gì đâu mà phải giấu giếm. Qua việc công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu, chúng ta có thể đánh giá được hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp bị âm quỹ bình ổn có chi phí kinh doanh lớn hơn các doanh nghiệp có quỹ dương vì giá bán, mức trích quỹ, rồi mức sử dụng quỹ bình ổn, các loại thuế, phí… là như nhau” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng nói quan điểm điều hành giá các mặt hàng, đặc biệt là giá xăng dầu sẽ theo cơ chế thị trường, tức là giá thế giới lên thì trong nước cũng phải lên, còn giá thế giới xuống thì mình cũng phải xuống và đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân - nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết thêm trong năm 2014 sẽ tiến hành việc chấm dứt bù chéo đối với giá khí bán cho điện và phân đạm, nghĩa là giá khí bán cho điện và phân đạm sẽ phải theo giá thị trường.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất này của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đang làm đề án thực hiện cơ chế thị trường, tính đúng tính đủ đối với giá khí bán cho điện, cho phân đạm”.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2014, Bộ Tài chính sẽ tăng cường minh bạch công tác điều hành. “Theo định kỳ hàng tháng hoặc hàng tuần, mỗi vụ trưởng, vụ phó phải lên các phương tiện thông tin đại chúng để nói về vấn đề nóng mà mình đang phụ trách” – Bộ trưởng yêu cầu các vụ, cục của ngành Tài chính.

Còn trong buổi họp báo cuối năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh đã thừa nhận: “Thời gian qua, EVN bị “mất niềm tin” nên giờ đây EVN phải xây dựng văn hóa để lấy lại niềm tin của người dân".

Vị Tổng giám đốc EVN cho biết trong năm 2014, EVN sẽ minh bạch các khoản chi phí mà việc công bố giá thành sản xuất điện vừa qua là bước đột phá đầu tiên.

Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tiến tới tối ưu hóa lao động thông qua nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng điện năng.

Các DNNN đang nắm giữ những lợi thế về vốn, địa điểm sản xuất, công nghệ và nhiều ưu tiên khác… nên sự bình đẳng trong kinh doanh gần như không có. Bây giờ, muốn có được niềm tin thì phải thực hiện bình đẳng, cạnh tranh công bằng với các thành phần kinh tế khác và minh bạch tất cả các thông tin liên quan đến doanh nghiệp.

Theo Vũ Hạnh

cucpth

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên