MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Miễn thị thực vẫn chưa đủ hấp dẫn

Quyết định miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước Tây Âu gồm: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha và Belarus (có hiệu lực từ 1/7/2015) được kỳ vọng là cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. Thế nhưng hơn 2 tháng sau khi quyết định này có hiệu lực, nhiều công ty du lịch cho biết “tất cả chỉ mới ở giai đoạn… chuẩn bị”.

Dù Chính phủ đã cho phép miễn visa cho công dân 5 nước Tây Âu nhằm kích cầu du lịch, nhưng bước đi này vẫn chưa đủ mạnh để kích thích khách từ khu vực này tìm đến Việt Nam nhiều hơn.

Quyết định miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước Tây Âu gồm: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha và Belarus (có hiệu lực từ 1/7/2015) được kỳ vọng là cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. Thế nhưng hơn 2 tháng sau khi quyết định này có hiệu lực, nhiều công ty du lịch cho biết “tất cả chỉ mới ở giai đoạn… chuẩn bị”.

Chỉ như quà khuyến mãi!

Theo số liệu được Tổng cục Du lịch công bố, 8 tháng đầu năm 2105, lượng khách Tây Âu đến Việt Nam không tăng mà còn giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 12 nước Tây Âu có khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất, chỉ có Tây Ban Nha và Ý có lượng khách tăng nhẹ, trong khi khách từ các thị trường khác đều giảm.

Cũng phải nói thêm, các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, Malaysia và Singapore đã rất thành công trong việc thu hút khách Tây Âu, bởi ngoài chất lượng dịch vụ tốt, các quốc gia này đã miễn visa cho công dân các nước Tây Âu từ hàng chục năm trước.

Chính sách miễn visa có thể giúp thu hút thêm du khách tới Việt Nam, giảm chi phí chuyến đi, tuy nhiên thời gian miễn visa trong vòng 15 ngày là quá ít và chưa phù hợp.

Theo bà Âu Mỹ Phương, Phó giám đốc phụ trách thị trường quốc tế, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, khách Tây Âu, nhất là khách Pháp thường có thời lượng nghỉ phép dài từ 21 – 30 ngày/năm hoặc nhiều hơn nên chuyến đi của họ thường lâu hơn 15 ngày.

“Chưa kể, khách Pháp thường kết hợp du lịch Việt Nam với các nước Lào, Campuchia và có nhu cầu quá cảnh Việt Nam để nối chuyến. Hoặc sau chương trình tham quan 2 – 3 nước Đông Dương, một số khách Pháp chọn các bãi biển Việt Nam là nơi nghỉ dưỡng và họ có nhu cầu quay trở lại Việt Nam vài ngày trước khi về nước. Lúc này, du khách vẫn phải làm thủ tục cấp visa” - Bà Phương cho biết.

Chưa hút được khách Tây Âu

Lượng khách Tây Âu đến Việt Nam đã tăng từ mức 754.682 lượt khách năm 2012 lên mức 835.632 lượt khách vào năm 2014. Còn 8 tháng đầu năm 2105, lượng khách này giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Ung Phương Dung, Giám đốc Công ty ICS Việt Nam (chuyên khách Đức) cho biết, miễn visa cho khách Đức 15 ngày là một tín hiệu đáng mừng, nhưng chỉ có thể giúp được khoảng 25 – 30% số khách Đức sang Việt Nam. Hiện công ty vẫn phải tiếp tục xin visa cho nhiều khách Đức.

Bà Dung cho biết, hơn 70% khách Đức không được hưởng lợi thế miễn visa, vì khách đi tour trên 15 ngày hoặc khách đi và quay lại Việt Nam trong vòng 30 ngày nên vẫn phải làm visa! Vậy nên cho khách được miễn visa 30 ngày và gỡ bỏ quy định phải làm visa khi tái nhập cảnh trong thời gian đó?

“Thực tế, không phải việc miễn visa sẽ làm tăng số khách đến Việt Nam mà quan trọng là thủ tục có nhanh gọn hay không? Miễn visa cũng chỉ có một năm nên chúng tôi không dám mạnh tay xây dựng kế hoạch quảng bá cho năm sau. Thế nên hiện nay, chính sách này giống như một món quà khuyến mãi cho khách đến chứ chưa thực sự là lý do ổn định để khách tìm đến Việt Nam và hiệu ứng của việc này chưa rõ ràng, do lượng khách sang Việt Nam mùa này là khách đã quyết định và đặt vé trước đó lâu rồi” - Bà Dung nói.

Bỏ quên… khách “sộp”

Tây Âu là thị trường khách du lịch cao cấp và truyền thống của Việt Nam. Du khách từ thị trường này thường có mức chi tiêu cao, ở dài ngày (từ 15-30 ngày). Dù không nằm trong nhóm những quốc gia có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất, nhưng đây là thị trường quan trọng và phát triển ổn định của ngành du lịch.

"Việt Nam vẫn kém thu hút du khách vì thủ tục nhập cảnh chưa thật sự gọn nhẹ..."

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), công tác xúc tiến du lịch triển khai tại các nước này lại quá ít. Việt Nam ít tham gia các hội chợ, hội thảo và những sự kiện du lịch tại Tây Âu nên hình ảnh du lịch Việt Nam xuất hiện không nhiều.

Ngay công tác đầu tư nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị trường Tây Âu của Nhà nước cũng nhỏ lẻ. Một số công ty du lịch phải tự xây dựng sản phẩm du lịch để chào bán cho du khách của mình.

Bà Âu Mỹ Phương cho biết, Pháp là nước đứng thứ 3 thế giới về số lượng người dân đi du lịch “đường dài”.

Nhưng nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hội chợ quốc tế chuyên nghiệp tại Paris như: Salon Mondial du Tourisme (tháng 3 hàng năm), Top Resa Paris (tháng 9 hàng năm) hay Foire de Paris lại chưa đều đặn. Ngoài Paris, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn bỏ sót một số thành phố lớn, dân số đông, mức sống cao như Lyon, Bordeaux, Toulouse, Marseille…

Và nếu so với các điểm đến cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Việt Nam vẫn kém thu hút đối với du khách vì thủ tục nhập cảnh chưa thật sự gọn nhẹ.

Quan trọng hơn, thông tin miễn visa cần được thông báo và quán triệt với những người thực thi (an ninh cửa khẩu, nhân viên sân bay…) để du khách không gặp những khó khăn trong hành trình du lịch tới Việt Nam.

Theo nhiều công ty du lịch, phần lớn tour chào bán ở thị trường Tây Âu là tour du lịch khám phá văn hóa nên khách thường chỉ đi thăm một lần.

Đối tượng khách hàng này được xem là khách hàng truyền thống của Việt Nam từ 20 – 30 năm nay, nhưng lượng khách lần đầu đến Việt Nam đang giảm, trong khi sản phẩm mới để kéo khách quay trở lại không có gì đặc sắc.

Để chính sách miễn visa hiệu quả hơn, các công ty du lịch đề xuất cần nâng lên 30 hoặc ít nhất 21 ngày, nhằm khuyến khích và thu hút du khách ở dài ngày.

ồng thời các công ty đề nghị nên có thời gian áp dụng chính sách này trong ít nhất 2 năm và được xem xét lại cho 2 năm tiếp theo bởi các công ty du lịch đã chuẩn bị quảng bá, xúc tiến cho tour cuối năm 2016 đầu 2017. Mặt khác, muốn hút khách lâu dài, Nhà nước và doanh nghiệp cần phải ngồi lại để có những kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch dài hơi, đồng bộ và hiệu quả hơn.

 

Theo Phương Anh

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên