MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mỏ vàng” du lịch Việt Nam vẫn đang là “tiềm ẩn”

Khách quốc tế đến du lịch ở Việt Nam đã tăng hơn 30 lần sau 30 năm đổi mới, đứng trong nhóm 5 điểm đến hàng đầu trong khu vực. Song với cách làm du lịch và mức độ thu hút khách quốc tế hiện nay, Việt Nam đang trở nên “tụt hậu” và thua xa các nước trên đấu trường này.

Dẫn ra câu chuyện của những người bạn nước ngoài phải chọn Thái Lan thay vì Việt Nam do chi phí visa quá cao, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ sự tiếc nuối và sốt ruột khi các nước xunh quan đang làm du lịch tốt hơn Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam được xếp hạng thứ 16/184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Việt Nam cũng nằm ở “Top 20” trong bản đồ du lịch toàn cầu, song để tiềm năng trở thành lợi thế lại là câu chuyện cần phải bàn nhiều…

Q: Tại sao ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là tiềm năng bậc nhất, là “mỏ vàng” có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế?

A: Với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý do thiên nhiên ban tặng, nền văn hóa lâu đời, Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng và lợi thế to lớn để phát triển du lịch.

Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và đặc sắc, với nhiều di sản thiên nhiên của thế giới được UNESCO công nhận. Việt Nam có nguồn tài nguyên nhân văn đặc sắc, lôi cuốn du khách, nhiều di sản văn hóa thế giới.

Nhiều điểm du lịch của Việt Nam được các tổ chức, hiệp hội, trang web du lịch uy tín thế giới bình chọn với vị trí nhất nhì khu vực và thế giới về độ hấp dẫn, vẻ đẹp tiềm năng và sự thu hút với du khách.

Q: Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, song lại chưa được khai phá đúng cách khi tăng trưởng của ngành chưa tương xứng?

A: Tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn so với mức tăng 10,6% của năm 2013. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 5 điểm đến du lịch hàng đầu Đông Nam Á, nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước đứng đầu là Malaysia, Thái Lan, Singapore còn khá xa.

Tỷ lệ thu hút khách đến Việt Nam hiện khá tương đồng với cả khu vực. Thị trường nguồn khách du lịch đều là nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản… Song cả về số lượng và mức chi tiêu du lịch từ các thị trường này đến Việt Nam chưa cao.

Việt Nam cũng chưa có Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch. Dẫn đến các hoạt động phát triển thương hiệu chưa thống nhất về định hướng, thông điệp, nội dung, chủ đề…

Q: Câu chuyện visa liệu có phải là rào cản duy nhất, khiến cho mỏ vàng này chưa được khai thác hiệu quả?

A: Chính sách visa chưa cởi mở và còn nhiều khó khăn là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của du lịch. Một con số đáng suy ngẫm: 2014, Thái Lan đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế, miễn thị thực và lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia (trong đó 49 nước là đơn phương), Malaysia đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia (trong đó 85 quốc gia là đơn phương).

Tương tự, Singapore đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 150 quốc gia (trong đó 82 quốc gia là đơn phương). Trong khi đó, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế và miễn visa cho 22 quốc gia.

Bên cạnh sự nghèo nàn, cũ kỹ về sản phẩm du lịch và khâu quảng bá còn nhiều yếu kém, du lịch Việt Nam còn tự trói chân mình với chính sách cấp visa cứng nhắc với quá nhiều thủ tục rườm rà.

Nhiều du khách đến Việt Nam còn quan ngại về tình trạng an ninh. Với sự thiếu trách nhiệm và bỏ trống trách nhiệm, các vụ cước tài sản khách du lịch diễn ra liên tiếp nhưng không được ngăn chặn hiệu quả.

Hệ thống doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa hoạt động thiếu kiểm soát về chất lượng, nhiều dịch vụ chưa được quản lý chặt chẽ nên còn nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ thiếu chất lượng, mang tính chộp giật.

Ngoài ra là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu kém, nguồn nhân lực ngành du lịch còn yếu về chất lượng và thiếu. Doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ và ưu đãi khuyến khích đầu tư nên sức cạnh tranh kém…

Q: Đâu sẽ là hướng đi để có thể khai phá “mỏ vàng” du lịch đúng tiềm năng và hiệu quả nhất?

A: Trước hết, cần phải nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí và tiềm năng của ngành du lịch. Từ đó có cơ chế chính sách và đầu tư cho phát triển du lịch, tạo ra các dịch vụ hấp dẫn, đa dạng, mang lại giá trị gia tăng cho ngành du lịch

Tiếp đến là hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý về du lịch, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ DN. Tăng thêm kinh phí xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam với cơ chế linh hoạt. Chú trọng khai thác thiên nhiên và định hướng phát triển chiến lược, cần đầu tư một cách bài bản về hạ tầng, kết nối hàng không…

Triển khai chương trình hỗ trợ DN du lịch theo hướng ưu đãi các hoạt động đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực khách sạn, lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Các hỗ trợ gồm giao đất, giảm thuế, đào tạo nguồn nhân lực….

Một số giải pháp trước mắt cần làm ngay với ngành du lịch như: có biện pháp và chương trình hành động về chính sách thị thực tạo thuận lợi cho du khách; xây dựng Quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch; đảm bảo an ninh an toàn cho du khách; xúc tiến quốc gia hướng tới phát triển sản phẩm, kiểm soát chất lượng dịch vụ…

Vì sao du lịch Việt Nam chậm phát triển?

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên