“Móc túi” người dùng để chi ưu đãi?
Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đề nghị thành lập quỹ để người dân “móc tiền túi” ra trả một phần ưu đãi đã được cam kết trước đó với nhà đầu tư!
- 07-03-2016Tư duy độc quyền và đề xuất lạc lõng của PVN
- 04-03-2016Vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã kêu gọi đoàn kết để ứng phó với giá dầu giảm
- 04-03-2016Không cho PVN độc quyền cung cấp xăng dầu trong nước
- 22-02-2016Lo Lọc dầu Dung Quất không tiêu thụ được sản phẩm, PVN gửi đơn kêu cứu
- 22-02-2016PVN kiến nghị giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và xăng máy bay
Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) vừa đề nghị Chính phủ cho cơ chế để ưu đãi thuế cho dự án Liên hợp lọc hóa dầu (LHD) Nghi Sơn, vốn đầu tư 9 tỉ USD, với số tiền dự kiến khoảng 75.000 tỉ đồng trong 10 năm đầu tiên, trong đó có một phần tiền được lấy từ… người tiêu dùng!
Cụ thể, PVN đề nghị thành lập quỹ để người dân “móc tiền túi” ra trả một phần ưu đãi đã được cam kết trước đó với nhà đầu tư!
Dự án 9 tỉ USD, đòi ưu đãi 3 tỉ USD
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, PVN cho biết khi LHD Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại từ năm 2017, tập đoàn này sẽ phải thanh toán cho Công ty TNHH LHD Nghi Sơn (NSRP) số tiền “rất lớn”.
Theo đó, chỉ với một phương án giá dầu, tổng số tiền phải chi trả cho LHD Nghi Sơn giai đoạn từ 2017 đến hết thời hạn cam kết lên tới 75.000 tỉ đồng (tương đương 3 tỉ USD) trong khi tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 9 tỉ USD.
Cụ thể, PVN cho biết theo thỏa thuận giữa Chính phủ - do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, dự án Liên hợp LHD Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).
Chưa hết, trong 10 năm, nếu Nhà nước VN giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm phải bù cho NSRP số tiền chênh lệch này, ngay cả khi NSRP không bán hàng cho PVN mà bán qua các bên khác tại thị trường VN.
Trong khi đó, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn.
Và với lý do đến nay Chính phủ vẫn chưa có chỉ đạo về cơ chế đảm bảo nguồn tiền và các thủ tục để chi trả, PVN đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan giải quyết.
Cụ thể, một trong những phương án được PVN đề xuất là Chính phủ cần xây dựng quỹ (có thể tên là quỹ phát triển năng lượng bền vững), hình thành từ khoản phí xăng dầu tiêu dùng do tập đoàn này thu ngay tại cổng nhà máy khi bán sản phẩm cho khách hàng!
Một phương án khác là cho phép PVN được giữ lại số tiền chênh lệch giữa thuế nhập khẩu xăng đang áp dụng hiện nay (20%) so với mức ưu đãi cho Nghi Sơn (7%).
Tuy nhiên, PVN cho biết số tiền thu được từ khoản chênh lệch này (13%) mới chỉ đủ chi trả 80-85% số cần thanh toán cho Nghi Sơn từ 2017-2022, nhưng với điều kiện là không giảm thuế nhập khẩu xăng.
Thi công xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) tháng 1-2016 - Ảnh: CT Quang Hùng
Thành lập quỹ là không hợp lý
Theo nguồn tin của chúng tôi , sau khi đề nghị của PVN được đưa ra lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đã phản đối với lý do các kiến nghị của PVN không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, mà thuộc chức năng quản lý của các bộ Công thương, Tài chính, Khoa học - công nghệ và cả Bộ Giao thông vận tải.
Trong khi đó, sau nhiều cuộc họp bàn, Bộ Công thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ với phương án tháo gỡ cho PVN.
Cụ thể, Bộ Công thương đã thống nhất với đề xuất của PVN về việc cần xây dựng cơ chế đảm bảo cho PVN có đủ nguồn tiền để chi trả các khoản ưu đãi (bù thuế) cho NSRP, đó là sẽ hình thành một quỹ với tên gọi là “Quỹ phát triển năng lượng bền vững”.
Ngoài ra, Bộ Công thương đề xuất tăng tỉ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho PVN để cân đối nguồn tiền thực hiện cam kết, thay vì nộp vào ngân sách.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Hiếu không đồng tình việc thành lập quỹ, với lý do quỹ này thu phí xăng đối với người tiêu dùng để PVN chi trả cho nhà đầu tư NSRP là “không phù hợp”.
“Công thức tính giá cơ sở xăng dầu đã được quy định rõ các loại thuế phí. Hơn nữa, mỗi lít xăng dầu tiêu thụ, người tiêu dùng đã phải trả cho một quỹ là quỹ bình ổn giá xăng dầu rồi...” - ông Hiếu khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng khi ký các cam kết ưu đãi cho dự án này, phía VN không tính đến sự chênh lệch thuế trong các biểu cam kết hội nhập.
Ông Ruệ cũng cho rằng việc thu phí xăng dầu để thành lập quỹ là không hợp lý, bởi người tiêu dùng lại phải chịu vì doanh nghiệp sẽ đưa phí đó vào giá bán.
Hơn nữa, theo ông Ruệ, việc thành lập quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh với hàng ngoại nhập khẩu cũng là trái các cam kết hội nhập, có thể bị coi là vi phạm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Từ thực tế của dự án này, ông Phan Thế Ruệ cho rằng cần xem lại quy hoạch các dự án lọc dầu, minh bạch các cam kết từ đầu theo hướng thị trường hóa, không bảo hộ, tránh nhà đầu tư lợi dụng tâm lý muốn có nhà máy của VN để đòi ưu đãi lớn, bảo hộ.
“Không thu hút FDI bằng mọi giá” - ông Ruệ nói. Liên quan đến cam kết khác là PVN phải bao tiêu cho Nhà máy LHD Nghi Sơn, ông Ruệ cho rằng không khả thi bởi ngay cả với Dung Quất các doanh nghiệp chỉ có thể “ủng hộ” vài tháng.
“Còn về lâu dài, các doanh nghiệp đầu mối phải tìm xăng dầu giá rẻ, vì nó liên quan đến giá cả, quyền lợi của người tiêu dùng” - ông Ruệ khẳng định.
Xăng dầu Nhà máy LHD Nghi Sơn không đạt chuẩn
Trong một văn bản gửi các bộ ngành, PVN thừa nhận chất lượng sản phẩm của Nhà máy LHD Nghi Sơn cũng... có vấn đề.
Cụ thể, so với tiêu chuẩn VN đã ban hành, sản phẩm xăng dầu của nhà máy này có một số chỉ tiêu chưa đạt mức tiêu chuẩn VN mức 4 (tương đương tiêu chuẩn EURO4), thậm chí có khoảng 1,5 triệu tấn dầu diesel chỉ đạt mức 3 về chỉ tiêu hàm lượng lưu huỳnh.
Trong dự án Liên hợp LHD Nghi Sơn, Công ty TNHH LHD Nghi Sơn (NSRP) đại diện cho liên doanh các nhà đầu tư, gồm Tập đoàn Dầu khí VN (25,1%), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (35,1%), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (35,1%) và Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (4,7%).
Tuổi Trẻ