MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mối lo CPI tăng ở mặt hàng nhà nước quản lý

Nhóm dịch vụ y tế, giáo dục tăng cao hơn mức bình quân, điện, xăng cũng luôn trong tình trạng “rình rập” tăng giá là nguyên nhân đẩy giá tăng đồng loạt.

CPI tăng ở mặt hàng nhà nước quản lý

Tại Hội thảo Diễn biến giá cả thị trường ở Việt NAm 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014 diễn ra vào hôm qua (30/6) bà Ngô Thị Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng Cục Thống kê cho biết, vẫn còn nhiều mặt hàng như dịch vụ y tế, giáo dục do Nhà nước quản lý vẫn tiếp tục được các tỉnh, thành phố điều chỉnh.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng điện, xăng dầu luôn thường trực. Trong nhiều năm, giá xăng dầu đã thành 'nếp' điều chỉnh tăng nhiều, giảm ít không biết bao nhiêu lần.

"Đó là một trong những nguyên nhân nhìn thấy trước luôn đẩy giá tăng đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành", bà Dương nhận định.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, các nhóm hàng đang được Nhà nước quản lý là những nhân tố chính tác động lên CPI cho thấy việc điều hành phải hết sức thận trọng.

"Thời gian tới việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ được đề cập trong báo cáo của Chính phủ như xăng dầu, điện, dịch vụ công về giáo dục, y tế... là cần thiết và đúng hướng, nhưng phải thận trọng về liều lượng, thời điểm với lộ trình phù hợp", ông Long cho hay.

Bằng chứng cho thấy là trong nửa năm qua, giá xăng đã tăng liên tục 4 lần và vào các tháng 2, 3, 4, 6, mức tăng cao nhất vào tối 23/6 vừa qua, tăng thêm 330 đồng/lít.

Với dịch vụ y tế, mới đây Hà Nội lại tiếp tục có tờ trình đề nghị điều chỉnh tăng phí 1.300 dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập với mức viện phí được đề xuất tăng thêm 20% ở tất cả các hạng bệnh viện.

Trong khi, tại lần điều chỉnh giá viện phí được áp dụng từ ngày 1/8/2013, giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập của Hà Nội đã tăng gấp đối so với giá viện phí trước đó.

CPI giảm, dân kiệt sức mua

Thống kê cho thấy CPI tháng 6/2014 chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và sau nửa năm, CPI đi khá chậm chỉ tăng được 1,38%, bằng 1/5 mục tiêu lạm phát cả năm và thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.

GDP trong 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% dẫn đến khả năng cả năm đạt kế hoạch GDP tăng 5,8% trở nên khó khăn.

Từng nêu quan điểm trước tình trạng CPI giảm, TS Lê Đăng Doanh nhận định, kinh tế vẫn chưa qua giai đoạn khó khăn nhất. CPI giảm mạnh là biểu hiện của giảm phát, sức mua của đại đa số dân cư đã đến mức kiệt quệ.

Nguy cơ đáng lo ngại của tình trạng giảm phát "ẩn" trong những biểu hiện tưởng chừng như tích cực. Chẳng hạn lạm phát giảm, nhập siêu được kiềm chế, xuất khẩu ổn định... nhưng nhập siêu giảm vì doanh nghiệp phần lớn không tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

"Nền kinh tế tăng trưởng thì lạm phát có thể được giải quyết, nhưng không có tăng trưởng thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Vì từ đây sẽ xuất hiện sản xuất đình đốn, thất nghiệp tràn lan, việc làm thiếu thốn và gây ra các hậu quả khó lường về mặt xã hội", TS Lê Đăng Doanh từng nói.

Tại hội thảo Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến – Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong nền kinh tế chưa được giải quyết vẫn gây áp lực lớn cho sản xuất kinh doanh.

"Đó là, sức mua trên thị trường chưa được cải thiện nhiều (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 10,7%); Hàng tồn kho vẫn ở mức cao; việc xử lý nợ xấu vẫn còn diễn ra với tốc độ chậm; Tăng trưởng tín dụng thấp...", TS Nguyễn Ngọc Tuyến nói.

Trả lời phỏng vấn trên VOV mới đây, ông Trường Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, đến giờ phút này chưa thể chắc chắn có giảm phát hay không, mà ngay từ giờ cần tính toán tình hình để trong tương lai có những chính sách mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa. Cần có cách tư duy mới về tình hình hiện nay, để ứng phó với nó.

>>>

Theo Hà Anh

cucpth

Đất Việt

Trở lên trên