MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mong mỏi cơ chế tiền lương ổn định

Chủ động với tiền lương thay vì chạy theo như năm 2011 là điều mà doanh nghiệp (DN) đang chờ đợi từ phía các cơ quan chức năng trong năm 2012.

Một năm “biến động”

Đối với khối DN, năm 2011, lần đầu tiên, lương tối thiểu được Chính phủ liên tiếp điều chỉnh tới hai lần trong một năm. Lần điều chỉnh thứ nhất được thực hiện theo lộ trình, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1 đối với khối DN trong nước, với mức từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng. Khối DN FDI điều chỉnh chậm hơn, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/5 với mức tăng từ 1 triệu đồng/tháng lên 1,1 triệu đồng/tháng.

Nếu chiếu theo lộ trình tăng lương hàng năm, mức lương này sẽ được áp dụng đến hết năm 2011, mức lương mới cho năm 2012 sẽ chỉ được Chính phủ cân nhắc và áp dụng từ ngày 1/1/2012. Tuy nhiên, trước thực trạng giá cả sinh hoạt tăng cao, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh lương tối thiểu sớm hơn lộ trình 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1/10/2011.

Một điều đặc biệt nữa của lần điều chỉnh này, đó là mức lương tối thiểu chỉ còn được phân theo vùng, mà không phân biệt loại hình DN trong nước hay DN FDI như trước đây, cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (mức tăng cao nhất lên tới 68,7%). Cụ thể, lương tối thiểu áp dụng cho vùng I là 2 triệu đồng/tháng, vùng II là 1,78 triệu đồng/tháng, vùng III và IV lần lượt ở mức 1,55 và 1,4 triệu đồng/tháng.

“Việc điều chỉnh tiền lương khối DN hai lần trong một năm, với mức tăng gần 70% rõ ràng là một động thái kịp thời của Chính phủ, nhằm chia sẻ khó khăn cho người lao động khi mà mức lạm phát năm nay lên tới gần 19%”, TS. Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận xét.

Tuy nhiên, ngay từ khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất việc tăng lương trước lộ trình, vấn đề này đã tạo nên một “làn sóng” tranh luận trái chiều, thậm chí ngay từ phía người trong cuộc là các DN.

Vấn đề gây tranh cãi là, dù mức tăng đạt kỷ lục từ trước đến nay, nhưng mức lương này, theo điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, thậm chí còn tụt đi so với mức gần 71% của năm 2008. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi việc tăng lương lại diễn ra đúng thời điểm “nhạy cảm”, khi hàng nghìn DN đứng trước nguy cơ phá sản, hay phải thu hẹp sản xuất để “gồng” mình đối phó với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lãi suất ngân hàng lên tới 24-27%/năm.

Trái lại, một số chuyên gia và khá nhiều DN vẫn ủng hộ tăng lương, vì cho rằng, điều này không ảnh hưởng nhiều đến DN. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Yên, thực tế từ lâu, các DN dệt may đã trả lương cho công nhân ở mức 3-4 triệu đồng/tháng, thấp nhất phải trên 2 triệu đồng/tháng, nếu không sẽ chẳng thể tuyển được lao động, nên việc tăng này chỉ làm tăng chút ít tiền đóng bảo hiểm xã hội, do đó không ảnh hưởng nhiều đến DN. Dù khó khăn, DN sẵn sàng chia sẻ để đảm bảo lợi ích hài hòa và giữ chân lao động.

Không phủ nhận mức lương tối thiểu mới còn khiêm tốn so với nhu cầu đời sống thực tế của người lao động, nhưng bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, tăng lương sớm là việc cấp thiết để giảm bớt gánh nặng trên vai người lao động.

Bao giờ ổn định?

Dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng mạnh tiền lương tối thiểu, đặc biệt là việc đồng nhất lương tối thiểu khu vực DN trong nước và khu vực FDI, nhưng TS. Đặng Quang Điều cho rằng, vẫn cần một cách làm sáng suốt hơn, hay mạnh hơn là cần một cuộc cách mạng về tiền lương.

“Không nên năm nào cũng rầm rộ tăng lương tối thiểu, vì vừa mới nói tăng lương, giá cả đã tăng lên hết rồi”, ông Điều nói và đề xuất, Chính phủ nên coi lương tối thiểu là một loại hàng hóa và thống nhất một mức cụ thể đảm bảo được cuộc sống của người lao động so với giá cả thị trường. Cuối mỗi năm, chỉ cần nhân tốc độ trượt giá với mức lương tối thiểu đã thống nhất để áp dụng mức lương tối thiểu cho năm sau.

“Vấn đề tiền lương tối thiểu thực tế không đơn giản như tự thân định nghĩa của nó. Bởi lương tối thiểu không chỉ liên quan đến đời sống, quyền lợi của người lao động, mà còn là đời sống của DN, quan hệ lao động và cả câu chuyện đầu tư, tình hình kinh tế, xã hội…”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định.

Ông Huân cho biết, để hạn chế bất cập của cơ chế tiền lương, Bộ đang có kế hoạch xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2014. Đề án Cải cách tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp giai đoạn 2012-2020 để báo cáo Chính phủ, trình Hội nghị Trung ương 5 của Đảng vào tháng 4/2012 cũng đang được Bộ Nội vụ gấp rút thực hiện.

Một chính sách cụ thể, dài hơi cho cơ chế tiền lương cũng chính là điều mà DN đang thực sự mong mỏi. Ông Hồ Việt Phương, Giám đốc kinh doanh Công ty NIVAL Vietnam (DN chuyên sản xuất thiết bị điện tại Hưng Yên) cho biết, chi phí tiền lương là một căn cứ quan trọng để DN tính toán giá sản phẩm, từ đó hoạch định kế hoạch kinh doanh, tài chính cho từng giai đoạn. Chính sách tiền lương liên tục thay đổi khiến DN rất vất vả chạy theo như năm 2011.

Theo Phan Long

Báo Đầu Tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên