MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2014: Vẫn tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao

Năm 2014, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn sẽ phát huy tác dụng là những dấu hiệu cho thấy kinh tế phục hồi rõ hơn.

Sáng nay (ngày 30/12/2013), Học viện Tài chính và Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo Giá cả thị trường ở Việt Nam năm 2013 và dự báo năm 2014.

CPI 2013 phá vỡ quy luật

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng 11/2013; tăng 6,04% so với tháng 12/2012. Đây là mức tăng thấp nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua (2004 – 2013).

Theo diễn giả Phạm Minh Thụy – Viện kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), diễn biến giá cả trong năm 2013 cho thấy CPI đã phá vỡ xu hướng biến động giá có tính quy luật là “hai năm nhanh, một năm chậm” đã hình thành ở nước ta trong 9 năm trước đó (2004 – 2012).

“Sự điều hành, can thiệp vào thị trường, giá cả ở Việt Nam của Chính phủ đã chủ động, có liều lượng và bài bản hơn. Do vậy giá cả không còn bị ‘nhảy múa’ giữa hai thái cực (tăng nhanh rồi lại chậm, rồi lại nhanh như 9 năm trước đó” – Ông Thụy nhận xét.

Đồng tình với nhận xét trên, chuyên gia Vũ Đình Ánh bổ sung thêm, sự ổn định của lạm phát và thị trường giá cả năm 2013 là kết quả và chịu sự chi phối rất lớn của việc tiếp tục tăng chậm lại của tổng cầu; bao gồm cả tổng cầu tiêu dùng và tổng cầu đầu tư trong nước và xuất khẩu.

“Tổng mức đầu tư toàn xã hội cả năm 2013 chỉ là 30,4% GDP – xấp xỉ mức 30,5% GDP năm 2012 đều là mức thấp nhất trong 10 năm qua” – Ông Ánh lấy dẫn chứng.

Nguy cơ lạm phát quay lại vào năm 2014?

Dự báo về tình hình giá cả, thị trường trong năm 2014 Cục quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng: Trong năm tới, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp trong năm 2013 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng; bên cạnh đó quá trình thảo luận để tiến tới ký kết thực hiện các hiệp ước mới TPP, đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

“Những yếu tố đó báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn” – Cơ quan giá của Bộ Tài chính đưa ra nhận định khá lạc quan.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý, năm 2014 cũng tiềm ẩn nhiều khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013.

Một số chuyên gia khác tham gia hội thảo thì cho rằng, sự ổn định của thị trường giá cả năm 2013 vẫn chưa thực sự vững chắc do chủ yếu chịu sự chi phối của tổng cầu thấp, cả đầu tư và tiêu dùng bên cạnh niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng tuy được phục hồi nhưng vẫn còn thấp.

Sang năm 2014, diễn biến thị trường giá cả một mặt vẫn chịu sự tác động bởi các chính sách quản lý thị trường giá cả truyền thống cũng như xu thế tăng chậm của tổng cầu đầu tư và tiêu dùng. Mặt khác, lại chịu sự ảnh hưởng của các chính sách nới lỏng tài khóa như tăng thâm hụt NSNN lên 5,3% GDP đồng thời phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư giai đoạn 2011 – 2015.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bổ sung thêm, lạm phát năm 2014 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn nếu cho biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô, nhất là khi điều chỉnh tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công.

“Bởi nếu kiềm chế lạm phát chưa thật sự bền vững như hiện nay thì yếu tố tiềm ẩn của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp, chưa cải thiện nhiều và lạm phát sẽ có khả năng trở lại trước các cú sốc từ bên ngoài và bên trong” – Ông Long nhấn ý.

Khánh Linh

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên