MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền sản xuất Việt Nam phải chia tay với các loại thị trường cấp thấp

Khi tư duy và thói quen này không thay đổi thì nền kinh tế của chúng ta chỉ mãi sản xuất ra những loại hàng hóa “vừa kém về chất, vừa xấu về mẫu".

Tại phiên họp ngày 31/10/2014 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng của tỉnh Bình Dương đã nêu quan điểm về thực trạng nền sản xuất của Việt Nam với nhận xét: nền sản xuất đang bị cột chặt với các loại thị trường cấp thấp và lối kinh doanh kiểu cũ. Nếu không thay đổi, kinh tế sẽ không thể cất cánh.

Đại biểu này đánh giá, nền kinh tế đã có nhiều điểm sáng, mà điểm tích cực nhất trong kinh tế - xã hội nước ta hiện nay là sự chuyển biến trong phong cách làm việc của các Bộ trưởng và lãnh đạo đầu ngành.

“Một số vị đã xông xáo xuất hiện khắp nơi khi cần thiết, phản ứng nhanh nhạy, can thiệp đúng mức và hợp lý tình hình. Do vậy mà gần dân, vì dân và có lợi cho dân hơn.” – ông Huỳnh Ngọc Đánh nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nổi cộm là nợ xấu và nợ công. Nhưng kỷ luật tài khóa của chúng ta chưa nghiêm. Phụ lục số 4 của Báo cáo Chính phủ năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi. Tiêu biểu như chi sự nghiệp kinh tế vượt chi đến hơn 4.400 tỷ đồng, chi giáo dục, đào tạo dạy nghề vượt chi hơn 1.500 tỷ. Ngành nào, lĩnh vực nào cũng vượt chi. Chỉ có dân số kế hoạch hóa gia đình và chi sự nghiệp Khoa học công nghệ là không vượt.

“Kỷ luật tài khóa như vậy là kém. Trong tình hình khó khăn về ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành vượt chi cần phải biết xấu hổ và người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên biết xấu hổ” – đại biểu nói.

Về một vấn đề khác là xuất siêu,  ông Huỳnh Ngọc Đáng phát biểu:

“Có ý kiến cho đó là tích cực, vui mừng nhưng tôi cho rằng xuất siêu không nói lên chuyển biến tích cực nào cả khi hàng trăm ngàn DN đang đình đốn và giải thể, khi ta phải “đôn đáo” tìm thị trường mới nhập các nguyên liệu đi nhập khẩu, vật tư mà ngành công nghiệp phụ trợ của ta không đảm đương nổi bởi quá yếu kém.”

Theo đó, đại biểu nhấn mạnh, để xuất siêu thực sự phản ánh sự lớn mạnh của nền kinh tế, ta cần nỗ lực nhiều hơn trong tái cơ cấu kinh tế.

Đại biểu này đánh giá cao phương hướng mở thêm thị trường mới đa dạng hóa và không để bị phụ thuộc vào một thị trường được đề cập trong báo cáo của Chính Phủ. Ông cho rằng đây là chủ trương đúng đắn nhưng cần cảnh giác với các thị trường dễ tính. Tại các thị trường này, hàng chất lượng thấp cũng bán được, bẩn một chút cũng bán được, mẫu mã xấu cũng bán được, có hợp đồng hay không đều mua bán được.

“Nhiều người thấy thế là mừng nên ngày càng bị cột chặt với thị trường này. Hậu quả là ta cứ yên tâm để duy trì một nền sản xuất đáp ứng cho loại thị trường cấp thấp”.

Đại biểu của tỉnh Bình Dương nhấn mạnh lại, khi tư duy và thói quen này không thay đổi thì nền kinh tế của chúng ta chỉ mãi sản xuất ra những loại hàng hóa “vừa kém về chất, xấu về mẫu, không biết đến hàm lượng công nghệ...”

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng hiện nay khi nền sản xuất chưa phát triển, buộc chúng ta phải bán hàng trên thị trường cấp thấp này. Đại biểu cho rằng về lâu dài cần tích cực tái cơ cấu để chia tay với thị trường thô sơ này, nếu không, nền kinh tế của chúng ta sẽ không thể cất cánh.

Ông Huỳnh Ngọc Đáng cũng đánh giá cao chủ trương của Chính phủ về việc phát triển ngành công nghiệp có giá trị gia tăng, tỷ trọng giá trị nội địa cao và nhận định: Nhiều ngành sản xuất của ta cần nhanh chóng chuyển đổi theo hướng này.


>>> Trực tiếp sáng 31/10: "Chúng ta đang tăng trưởng và phát triển dưới tiềm năng"

Mai Linh

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên