Ngành logistics và câu chuyện phí "bôi trơn"
Chi phí chính thức thông quan 1 container hàng xuất khẩu chỉ 20.000 đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp phải chi từ 50.000 - 400.000 đồng, tức là gấp đến 20 lần cho một lô hàng. Thậm chí có doanh nghiệp phải chi 1 triệu đồng/lô hàng cho phí bến cảng...
- 16-10-2015Logistics là "miếng bánh ngon" nhưng không dễ ăn
- 16-10-2015Kỳ 3: [infographics] Mạng lưới logistics Việt Nam đang nằm trong tay những đại gia nào?
- 14-10-2015Vào TPP: Ngành logistics sẽ “bùng nổ”?
Tại hội thảo về thuế và hải quan do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ánh tình trạng bị cán bộ thuế, hải quan làm khó, nhũng nhiễu khi làm hồ sơ, thủ tục thông quan hàng hóa khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí “bôi trơn”.
Qua khảo sát của Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố thì chi phí chính thức thông quan 1 container hàng xuất khẩu chỉ 20.000 đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp phải chi từ 50.000 - 400.000 đồng, tức là gấp đến 20 lần cho một lô hàng. Thậm chí có doanh nghiệp phải chi 1 triệu đồng/lô hàng cho phí bến cảng.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp Tp. HCM cho rằng, doanh nghiệp còn khó khăn về cơ chế chính sách của hệ thống pháp luật mới với những hướng dẫn không kịp thời, lúc kịp thời thì nhập nhằng giữa cái cũ và cái mới.
Bên cạnh đó, về thuế, do có sự thay đổi liên tục và quá nhiều với những thủ tục chồng chéo, đã dẫn tới sự không rõ ràng khi làm việc với công chức hải quan, thuế. Cũng chính từ những bất cập đó, cán bộ thuế, hải quan cũng không hiểu rõ, dẫn tới bất cập tiêu cực, nhũng nhiễu.
Theo ông Trần Huy Hiền - Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam, không chỉ đơn thuần là những vấn đề phát sinh từ thủ tục hải quan, mà các thủ tục liên ngành như kiểm dịch động thực vật, kiểm tra xuất xứ hàng hóa… cũng làm ảnh hưởng đến thời gian giao nhận hàng xuất nhập khẩu.
Mặc dù ngành hải quan đã ứng dụng thông quan điện tử, góp phần cho việc giải phóng hàng hóa nhanh hơn, song vẫn chưa giảm được như kỳ vọng. Ông Hiền cho biết, nếu không muốn kéo dài thời gian thông quan, không bị những rào cản khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp vẫn bỏ thêm chi phí.
Trong khi đó, nêu quan điểm về việc chi phí bến cảng lên đến 1 triệu đồng/lô hàng và “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp, ông Trần Chí Dũng – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Logistics Việt Nam (VLI) cho rằng, mức phí ở đây còn phụ thuộc vào nhiều tình huống.
“Nếu doanh nghiệp để hàng tại bến cảng lâu quá thì bắt buộc cảng phải tăng phí. Ngoài ra, định mức chi phí của cảng Việt Nam không cao nhưng do chất lượng dịch vụ kém nên còn nhiều khoản chi phí phát sinh khác” – ông Dũng chia sẻ.
Chi phí logistics cao do chất lượng dịch vụ kém
Trước đó, thống kê của Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, chi phí mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải trả cho dịch vụ logistics (bao gồm các dịch vụ vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, giấy tờ…) ở Việt Nam hiện đang ở mức cao so với trung bình của thế giới, chiếm tới 25% GDP. Trong khi trung bình thế giới chỉ khoảng 15%.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Dũng cho biết, chi phí logistics quá cao sẽ khiến cho giá thành của doanh nghiệp bị đội lên. “Chi phí logistics ở mức chấp nhận được là khoảng 10-12% GDP. Chi phí chiếm tới 25% GDP như vậy gần như nhiều công ty mất đi lợi nhuận. Điều này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” – ông Dũng nói.
Ông Dũng lý giải, nguyên nhân của chi phí cao do chất lượng dịch vụ logistics Việt Nam chưa tốt. Doanh nghiệp cũng như Nhà nước chưa đầu tư tương xứng về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực... dẫn đến khả năng cạnh tranh kém.
Theo ông Dũng, cảng Cái Mép -Thị Vải là một cảng trung chuyển quốc tế nhưng bố trí rất manh mún nên việc luân chuyển hàng hóa chậm. Bên cạnh đó còn thiếu tính kết nối với hệ thống giao thông trên đất liền để đẩy dòng hàng khiến thời gian và chi phí bị đội lên.
“Cảng biển là một mắt xích quan trọng trong luân chuyển hàng hóa. Muốn cảng sống được thì phải có luân chuyển hàng hóa, phải tạo hạ tầng tốt. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối cũng là điều quan trọng. Xây sân bay Tân Sơn Nhất hay sân bay Long Thành cũng vậy. Điều quan trọng không phải là có xây được không mà là hệ thống giao thông ở đó có thuận tiện cho luân chuyên hàng hóa hay không?” – Ông Dũng chia sẻ.