MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân sách tận thu từ thuế, DN khoáng sản kêu cứu

Số thu từ thuế tài nguyên của Việt Nam đã tăng khá nhanh. Năm 2011, tổng số thuế tài nguyên thu được đạt 39 nghìn tỷ đồng; năm 2012 đạt 41 nghìn tỷ đồng và năm 2014 đạt 38 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Nội dung nổi bật:

- Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đạt 110,2%; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 103%; các khoản thu về nhà, đất đạt 97,8% dự toán...

- Dự kiến các mức thuế áp dụng từ ngày 1/1/2016 với một số khoáng sản kim loại sẽ tăng thêm 2% như đồng tăng từ 13 lên 15%; bạc, thiếc tăng từ 10 lên 12%; măng gan tăng 3%, từ 11 lên 14%; các khoáng sản khác như chì, kẽm tăng từ 10 lên 15%...

- Nhiều doanh nghiệp khoáng sản đã phản ứng gay gắt với các mức thuế tăng lên gần mức trần với nhiều khoáng sản (trung bình tăng 2-3%) và cho rằng đó là chính sách tận thu cho ngân sách.


Thu từ thuế môi trường “cứu nguy” cho NSNN 8 tháng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 57,37 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng ước đạt 618,14 nghìn tỷ đồng; bằng 67,8% dự toán và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Đáng chú ý, chỉ trong 8 tháng, có những khoản thu tăng cao, hoàn thành dự toán năm như: Thuế bảo vệ môi trường đạt 110,2%; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 103%; các khoản thu về nhà đất đạt 97,8% dự toán...

Theo kế hoạch, dự toán thu NSNN năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 638,6 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô 93 nghìn tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu 175 nghìn tỷ đồng, thu viện trợ 4,5 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giá dầu thô giảm mạnh trong thời gian qua nên thu ngân sách từ dầu thô không đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, thu từ dầu thô 8 tháng mới chỉ đạt 47,1 nghìn tỷ đồng; bằng 50,7% dự toán và giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2014.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chuyên gia cho biết, năm nay khoản thu từ một số loại thuế từ thu nội địa như: Thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên khoáng sản... sẽ vượt xa kế hoạch được đề ra từ đầu năm. Đây cũng chính là các nguồn thu được trông mong, thay thế cho thu từ dầu thô và một số khoản hụt thu khác.

Số liệu thống kê vài năm trở lại đây cũng cho thấy, số thu từ thuế tài nguyên của Việt Nam đã tăng khá nhanh. Năm 2011, tổng số thuế tài nguyên thu được đạt 39.299 tỉ đồng; năm 2012 đạt 41.312 tỉ đồng; năm 2013 giảm còn 37.875 tỉ đồng; năm 2014 đạt 38.048 tỉ đồng, chiếm 4,4% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Lại “rục rịch” tăng thuế tài nguyên

Theo đề xuất của Bộ Tài chính và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các mức thuế áp dụng từ ngày 1/1/2016 với một số khoáng sản kim loại sẽ tăng thêm 2% như đồng tăng từ 13 lên 15%; bạc, thiếc tăng từ 10 lên 12%; măng gan tăng 3%, từ 11 lên 14%; các khoáng sản khác như chì, kẽm tăng từ 10 lên 15%.

Các khoáng sản không phải kim loại cũng tăng mạnh: cát tăng từ 11 lên 15%; grannit, đất làm gạch đều tăng từ 10-15%; đá hoa trắng tăng từ 9-15%; than tăng từ 7 lên 10% với than antraxit hầm lò, khai tác và tăng từ 9-12% với than antraxit lộ thiên, than nâu, than mỡ.

Thuế suất với nhóm nước thiên nhiên như cho sản xuất điện tăng từ 4% lên 5%; nước khoáng thiên nhiên, nước lọc đóng chai, hộp… tăng từ 8-10%.

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, việc tăng thuế tài nguyên nhằm tăng cường quản lý khoáng sản, cân bằng số thu ngân sách do thuế xuất nhập khẩu khoáng sản ngày càng giảm.

“Việt Nam đã và đang ký kết 10 hiệp định thương mại tự do như hiệp định với ASEAN sẽ giảm 98% dòng thuế xuống 0% năm 2018. Do đó, cần tăng thuế nội địa thay cho thuế xuất nhập khẩu giảm” - ông Thi cho biết.

Doanh nghiệp khoáng sản kêu cứu

Nêu quan điểm về dự thảo tăng thuế suất thuế tài nguyên lần này, nhiều doanh nghiệp khoáng sản đã phản ứng gay gắt với các mức thuế tăng lên gần mức trần với nhiều khoáng sản (trung bình tăng 2-3%) và cho rằng đó là chính sách tận thu cho ngân sách.

Theo ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, việc tăng thuế đợt này chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác hợp pháp, khuyến khích khai thác trái phép và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

“Theo thống kế số liệu của các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước có nền công nghiệp khoáng sản tương tự, Việt Nam là nước có khung thuế suất cao trên thế giới. Trong khi Trung Quốc là nước khai thác khoáng sản hàng đầu thế giới nhưng có mức thuế suất khoáng sản chỉ từ 5-10%, ở Australia thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại dao động từ 1,6-7,5%” - ông Hồng cho biết.

Ông Evan Spenser, Tổng giám đốc công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc cho biết, doanh nghiệp này đầu tư 130 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2007. Tuy nhiên, thời gian này thuế suất tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí cấp quyền khai thác tăng cao.

Theo ông Evan, tổng gánh nặng thuế của công ty đã tăng 218% so với giai đoạn 2007- 2014, số thuế nộp đã tăng thêm 76 triệu USD.

“Chúng tôi bị lỗ 35 triệu USD khi thay đổi chính sách thuế, tài khóa. Mức thuế này là hình phạt với công ty làm ăn chính đáng và chỉ khuyến khích các doanh nghiệp khai thác trái phép” - ông Evan nói.

Còn theo bà Trần Thị Như Trang, đại diện cho Công ty Cổ phần Khoáng sản An Thông, trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng khó khăn, việc tăng thêm thuế tài nguyên lần này sẽ như “giọt nước tràn ly”.

“Chúng tôi có 1 mỏ, 3 nhà máy, thì hiện nay chỉ còn một nhà máy hoạt động; có 900 công nhân thì hơn 400 công nhân đã phải cho nghỉ việc và gia đình họ đang sống rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị nếu có tăng thuế cũng nên có lộ trình ít nhất 5 năm để DN còn biết trước” - bà Trang nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho rằng mức tăng thuế tài nguyên khá cao; đặc biệt mức thuế suất tài nguyên với than từ 2010 đến nay đã tăng 2 lần.

“Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, chúng tôi mong muốn nhà nước nếu không giảm được thì cũng nên giữ nguyên mức thuế hiện tại. Nếu điều chỉnh như dự thảo, có thể thu ngân sách sẽ tăng nhưng chỉ 1 năm sau thôi, chắc chắn sẽ không thể duy trì vì doanh nghiệp không có lãi thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không còn” - ông Biên kiến nghị.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên